Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác lập trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, tiến tới quá trình hiện đại hóa nghề cá ở Việt Nam. Theo đó, việc hình thành 6 trung tâm nghề cá lớn gắn kết với các ngư trường trọng điểm gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang và Cần Thơ.
- Các trung tâm nghề cá này sẽ được xây dựng như thế nào, thưa ông?
- Các trung tâm nghề cá được xác định là giải pháp mang tính đột phá, được đầu tư tập trung những cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá hướng đến một nghề cá hiện đại. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt, các địa phương sẽ lập quy hoạch chi tiết theo quy chuẩn của Bộ NN-PTNT quy định. Trong đó, các trung tâm phải hội đủ các yếu tố cơ bản như: phải có cảng cá loại 1, hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ: xăng, dầu, thương mại, tín dụng, đá cây, ngư lưới cụ, máy móc thiết bị phục vụ khai thác... Ngoài ra, các trung tâm có cả cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và khu công nghiệp chế biến. Những điều này sẽ giúp các trung tâm hội đủ thành trung tâm hiện đại về tính chất, đảm bảo tính liên kết với khâu dịch vụ hậu cần để nghề cá hiện đại và vươn khơi xa hơn. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ thuê nhà tư vấn có đủ khả năng để có thể thiết kế chi tiết các trung tâm nghề cá này.
- Nếu nói như vậy thì vốn đầu tư sẽ là vấn đề, thưa ông?
- Sau khi có quy hoạch chi tiết, các địa phương sẽ kêu gọi những nhà đầu tư, phân rõ hạng mục nào là vốn ngân sách Nhà nước ở Trung ương và địa phương, hạng mục nào là kêu gọi nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức PPP (hợp tác công - tư). Vì vậy, bây giờ chưa thể nói nguồn vốn đầu tư cụ thể từng trung tâm như thế nào. Sau khi có hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, các địa phương sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ có chương trình riêng để đầu tư cho các Trung tâm nghề cá bằng vốn của Nhà nước. Trong đó, xác định rõ đầu tư hạng mục nào có yếu tố thiết yếu, then chốt, chẳng hạn như cơ sở cảng cá hay nạo vét luồng lạch. Còn phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) thì chọn doanh nghiệp đủ mạnh để ứng tiền đầu tư trước, sau đó Nhà nước sẽ trả lại vốn. Lộ trình theo Quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1445/2013 là đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Thế nhưng, mong muốn của chúng ta là từ nay đến 2015, ưu tiên chọn một trung tâm nghề cá lớn tại miền Trung để làm trước.
- Ông đánh giá như thế nào về tỉnh Khánh Hòa khi được chọn là 1 trong 6 trung tâm nghề cá lớn của cả nước?
- Trước hết, phải nói rằng tỉnh Khánh Hòa cũng như các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có vị trí rất quan trọng cho khai thác hải sản, đặc biệt là hậu thuẫn cho các ngư dân vươn khơi bám biển. Bởi hiện nay, nghề đánh bắt xa bờ chủ yếu thuộc khu vực miền Trung. Khu vực này có lợi thế vùng biển nước sâu, gắn liền với nhiều ngư trường lớn như: Hoàng Sa, Trường Sa, DK. Riêng tỉnh Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa, Bộ NN-PTNT đang phối hợp các bộ, ngành và tỉnh Khánh Hòa để làm sao nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo cho ngư dân. Trong quy hoạch, sẽ hình thành hệ thống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão trên các đảo quan trọng, trong đó có quần đảo Trường Sa. Khu vực miền Trung nói chung, Khánh Hòa nói riêng đang có những lợi thế. Vì vậy, nếu Khánh Hòa được chọn để đầu tư trước có thể phát huy được khả năng. Hiện nay, chúng ta đang xác định tổ chức lại khai thác trên biển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hướng vào một số sản phẩm chủ lực, trong đó cá ngừ đại dương là sản phẩm đầu tiên được lựa chọn. Vì thế, trước mắt, Bộ sẽ phối hợp với tỉnh Khánh Hòa xây dựng thí điểm trung tâm giao dịch cá ngừ tại TP. Nha Trang.
- Xin cảm ơn ông!