Dẫn chúng tôi một vòng quanh vùng Dự án, Bí thư Ðảng ủy xã Sơn Nga Phạm Ngũ Hổ cho biết, dự án nuôi trồng thủy sản huyện Cẩm Khê có diện tích sử dụng hơn 100 ha, thì hơn 70% diện tích thuộc địa bàn xã Sơn Nga và nằm tập trung ở khu 1, đây là khu đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ. Mục tiêu của Dự án làm cho sản lượng cá và thu nhập của người dân tăng nhanh gấp nhiều lần so với phương pháp thâm canh truyền thống. Với một xã nghèo như Sơn Nga, dự án được triển khai sẽ giúp bà con làm giàu trên mảnh đất mình sinh sống. Thế nhưng, từ khi triển khai đến nay, đơn vị thi công mới làm được 25% khối lượng công việc.
Nhìn Ðồng Mèn trù phú một thời giờ như một cánh đồng hoang. Những chủ lồng cá ngày nào nay lại phải trở về cảnh mò cua, bắt ốc, ngụp lặn trên cánh đồng đầy rong rêu để mưu sinh. Cũng từ dự án dang dở này đã khiến cấp ủy và chính quyền địa phương khó ăn, khó nói với người dân mỗi khi tuyên truyền về các dự án mới.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản huyện Cẩm Khê có tổng nguồn vốn 36 tỷ đồng, trong đó, vốn từ Trung ương Ðoàn là 20 tỷ đồng, còn lại do Tỉnh Ðoàn Phú Thọ huy động từ nhiều nguồn khác. Thời gian đầu, dự án được triển khai tại ba xã của huyện Cẩm Khê là Sơn Nga, Phùng Xá và Xương Thịnh. Sau đó, xã Xương Thịnh xin rút. Theo thiết kế, dự án có tổng diện tích hơn 100 ha và được quy hoạch xây dựng thành nhiều ao nuôi có diện tích từ 5 đến 10 ha.
Ngoài ra, dự án còn có hệ thống các công trình phụ trợ như kênh cấp nước, thoát nước, đường giao thông, trạm bơm, hệ thống bơm sục khí... Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất trên một diện tích, góp phần làm giàu, nâng cao đời sống cho vùng nông thôn khó khăn. Ðồng thời, xây dựng được mô hình điển hình của Ðoàn Thanh niên, từ đó nhân rộng phong trào đoàn cho nhiều địa phương. Theo cam kết, dự án sẽ được triển khai trong ba năm. Khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tăng sản lượng thủy sản từ 70 tấn lên 200 tấn/năm và giải quyết việc làm cho nhiều gia đình.
Tuy nhiên, sau gần năm năm triển khai, các hạng mục của dự án vẫn dang dở. Ðể khỏi lãng phí, UBND xã Sơn Nga đã cho một số người dân đấu thầu nuôi trồng thủy sản. Theo UBND huyện Cẩm Khê nguyên nhân chậm một phần do chủ dự án thiếu kinh nghiệm, trong quá trình triển khai không tính toán đến phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện nay, huyện đã kêu gọi nguồn đầu tư khác để làm đường vào vùng dự án và nhiều lần đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục triển khai để người dân sớm được hưởng lợi từ chương trình này.
Lý giải về tình trạng chậm trễ nói trên, Bí thư Tỉnh Ðoàn Phú Thọ Phạm Thanh Tùng cho biết, nguyên nhân chính do công tác giải phóng mặt bằng chậm. Khi lập quy hoạch, các hộ dân đều ký cam kết hiến đất làm một số công trình phụ trợ, nhưng đến khi triển khai, nhiều hộ không thực hiện như cam kết và đòi tiền bồi thường cao hơn quy định của Nhà nước.
Trong khi đó, nguồn vốn đối ứng của tỉnh (khoảng 4,5 tỷ đồng) để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng chậm. Ngoài ra do thiếu kinh nghiệm, cho nên trong quá trình triển khai, dự án đã phải điều chỉnh nhiều lần là những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. Trong thời gian tới, Tỉnh Ðoàn Phú Thọ kiến nghị Trung ương Ðoàn, UBND tỉnh sớm có giải pháp để dự án sớm hoàn thành, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giúp người dân làm giàu trên quê hương mình đang sinh sống.