Chưa có dấu hiệu hồi phục ở thị trường Mỹ
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, xuất khẩu cá tra vào Mỹ đang phải chịu nhiều khó khăn, thách thức. Để có mặt ở thị trường Mỹ, sản phẩm cá tra phải đạt các yêu cầu về chất lượng và kiểm dịch theo Chương trình Thanh tra cá da trơn mà phía Mỹ đưa ra và áp dụng kể đầu tháng 8/2017.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng phải chịu mức thuế chống bán phá giá khá cao, với mức thuế trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) là 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với POR12.
Những rào cản trên đã khiến xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm 2017 giảm gần 11%, xuống còn 387 triệu USD. Đáng chú ý, kể từ khi Chương trình Thanh tra cá da trơn có hiệu lực đã khiến xuất khẩu vào thị trường này bị đình trệ và sụt giảm trên 50% trong 3 tháng cuối năm.
Mặc dù có 62 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra sang Mỹ, nhưng thực tế chưa tới 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và chỉ có ba doanh nghiệp xuất khẩu với giá trị đáng kể. Theo dự báo của các doanh nghiệp, ngành cá tra vẫn khó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới.
Để tháo gỡ khó khăn ở thị trường này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bên liên quan đang tích cực phối hợp với Mỹ trong việc đánh giá điều kiện sản xuất tương đương giữa nghề nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam với Mỹ. Hiện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã hoàn thiện Bản câu hỏi đánh giá tương đương (SRT) theo yêu cầu của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS).
Mặt khác, Việt Nam vừa chính thức gửi yêu cầu tới Mỹ đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, những vấn đề Việt Nam đang khiếu nại là hết sức hợp lý và có đủ cơ sở cho thấy Mỹ đã áp dụng các điều luật không phù hợp WTO. Trên cơ sở đó, có thể WTO cho rằng những khiếu nại này là hợp lý và yêu cầu Mỹ phải xem xét lại và có những biện pháp để thực thi những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, một vụ kiện lên WTO thường kéo dài vài năm và mọi thứ vẫn phụ thuộc nhiều vào vấn đề thời gian để phân định.
“Điêu đứng” ở thị trường EU
Trái ngược với những khó khăn về rào cản kỹ thuật, thương mại ở thị trường Mỹ thì xuất khẩu cá tra vào EU lại “điêu đứng” do truyền thông tiêu cực. Ngay từ đầu năm 2017, kênh truyền hình Cuatro TV Tây Ban Nha phát sóng đoạn phóng sự thông tin sai lệch về hình ảnh cá tra Việt Nam đã ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu sang thị trường EU.
Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh cá tra bị “bôi bẩn” ở thị trường EU, nhưng vụ việc này được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. nhằm gây sức ép lên các Tổ chức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hệ thống bán lẻ để dừng bán sản phẩm cá tra. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha là một trong những thị trường nhập khẩu cá tra chính ở khu vực EU, chỉ cần sự thay đổi ở thị trường này cũng khiến xuất khẩu sang EU giảm mạnh.
Chính vì lẽ đó khiến xuất khẩu cá tra sang thị trường EU "điêu đứng" trong năm qua, với giá trị xuất khẩu chỉ còn 261 triệu USD, giảm gần 23% so với năm 2016. Đây là mức giảm sút theo “chuỗi” tiếp nối 2-3 năm trước đó. Từ thị trường xuất khẩu hàng đầu giai đoạn 2010 - 2012, nay thị trường EU đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ. Theo dự báo của VASEP, ít nhất trong quý I/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU chưa có khả năng phục hồi.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Internet)
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, mặc dù xuất khẩu cá trang thị trường EU hiện gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn kiên trì khôi phục lại xuất khẩu ở thị trường này. Một số doanh nghiệp đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách phát triển các sản phẩm mới, tăng sản phẩm cao cấp, có hàm lượng giá trị gia tăng cao nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Ngoài việc củng cố tại hai thị trường truyền thống Mỹ và EU, nhiều doanh nghiệp cũng có sự chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Mexico, Brazil, Colombia... Đáng kể nhất là thị trường Trung Quốc với sự tăng trưởng đột phá trong năm 2017, tăng 35% so với năm trước đó, đạt 305 triệu USD, trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất hiện nay và khả năng tiếp tục giữ ngôi vị này trong năm 2018.
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu cá tra trên thị trường thế giới dự báo vẫn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Hiện nay, nguồn cung cá tra đang không đáp ứng được nhu cầu, giá cá tra xuất khẩu đã vượt ngưỡng 3 USD/kg và được các nhà nhập khẩu chấp nhận. Do đó, giá trị xuất khẩu cá tra năm 2018 sẽ không thấp hơn 2017 mà bằng hoặc cao hơn. Tuy vậy, để ngành cá tra phát triển bền vững, việc tập trung sản xuất, chế biến các sản phẩm an toàn, chất lượng, có hàm lượng giá trị gia tăng cao sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.