Vùng nuôi trọng điểm
Ở Khánh Hòa, nghề nuôi tôm hùm hình thành khá lâu, nhưng phát triển mạnh từ lúc các viện, trường trên địa bàn tỉnh chuyển giao kỹ thuật từ những năm 1990. Do giá trị kinh tế cao (giá bình quân tôm hùm loại 1 là 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg) nên ngành nuôi này nhanh chóng phát triển, hình thành nhiều làng nuôi tôm một thời thịnh vượng như: Đầm Môn, Xuân Tự (Vạn Ninh), Bình Ba (Cam Ranh)…
Đến thời điểm này, Khánh Hòa vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lồng nuôi với 28.500 lồng, chiếm hơn 40% tổng số lồng nuôi tôm hùm của cả nước, sản lượng trên dưới 1.000 tấn/năm. Tôm hùm nuôi nhiều nhất tại Vạn Ninh khoảng 10.000 lồng, Cam Ranh 7.000 lồng, Nha Trang 3.000 lồng, còn lại ở một số địa phương khác như: Ninh Hòa, Cam Lâm... Đến nay, tỉnh đã có nhiều bước tiến trong quản lý nuôi như: quy định về thiết kế lồng bè; phân vùng nuôi theo quy chuẩn VietGAP; chuyển đổi hình thức từ nuôi lồng sang nuôi bờ; sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường… Ngành thủy sản tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết mặt nước, nuôi tôm hùm tại các vịnh, đầm, đề xuất biện pháp thu hút nguồn giống… Các ngành, các cấp đang vận động người nuôi tôm hùm sản xuất theo hướng bền vững, thành lập các tổ hợp tác, tổ tự quản thu gom rác, bảo vệ môi trường nuôi.
Tuy “hái ra vàng” nhưng nghề nuôi tôm hùm cũng lắm lao đao bởi đối mặt với nhiều yếu tố không bền vững như: nguồn con giống đánh bắt tự nhiên rất ít, phụ thuộc vào thời tiết, hiện đang nhập chủ yếu từ các quốc gia lân cận (70%); thức ăn là cá, thủy sản tạp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, đầu ra lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chưa có thị trường chính ngạch nên giá cả bấp bênh, người nuôi dễ thua lỗ khi thị trường biến động. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho tôm hùm Khánh Hòa trở thành nhu cầu bức thiết.
Đề xuất liên kết
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Nha Trang, thương hiệu cho tôm hùm là vấn đề lớn đối với Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu xây dựng được thương hiệu, ví dụ như tôm hùm nuôi thân thiện môi trường thì mọi việc sẽ khác. Tôm hùm sẽ đến được nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ả Rập…, đặc biệt là sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Một khi đầu ra rộng mở thì sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, thương hiệu không phải dễ dàng xây dựng ngày một ngày hai mà là cả quá trình phấn đấu, không chỉ nhà nước, nhà khoa học, nhà quản lý mà cả người nuôi, là những người đóng vai trò quyết định. Việc xây dựng định hình vùng nuôi, áp dụng các biện pháp nuôi sạch, an toàn theo hướng GAP chính là giải pháp để xây dựng thương hiệu cho con tôm hùm.
Tiến sĩ Tuấn đề xuất, sự liên kết khu vực có thể đáp ứng yêu cầu xây dựng thương hiệu con tôm hùm sạch. Các tỉnh, thành Nam Trung Bộ - nơi tập trung nuôi tôm hùm lồng, từng tỉnh sẽ đảm trách một đề tài như: Khánh Hòa thử nghiệm thức ăn ẩm, bán ẩm, khô; Phú Yên thử nghiệm không dùng kháng sinh, chỉ dùng các chế phẩm sinh học; Ninh Thuận thử nghiệm hệ thống nuôi kết hợp. Việc triển khai khảo nghiệm các đề tài là tiền đề tiến tới xây dựng thương hiệu cho con tôm hùm Khánh Hòa cũng như khu vực.
Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã đề xuất xây dựng thương hiệu tôm hùm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ cũng đã có định hướng phát triển nghề nuôi song còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, trong đó có vấn đề con giống chưa thể chủ động. Vì thế đến nay, việc xây dựng thương hiệu cho con tôm hùm tuy hết sức cần thiết nhưng mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất.