Đánh giá về năng lực chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, so với một số tỉnh, thành khác trong khu vực, các doanh nghiệp chế biến tôm ở Sóc Trăng đã sớm đầu tư nâng cấp, đổi mới thiết bị, khoa học công nghệ để nâng cao công suất, giá trị và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ con tôm. Chính nhờ lợi thế này, nên công nghiệp chế biến tôm của Sóc Trăng đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới hay những lần giá tôm sụt giảm mạnh như 2 năm gần đây. Lợi thế về công nghệ, kỹ thuật chế biến còn giúp sản phẩm tôm của Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung vào được những hệ thống phân phối lớn với giá ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ có công nghệ và kỹ thuật chế biến thôi là chưa đủ, mà cần phải có nguyên liệu tốt nữa thì mới làm ra sản phẩm đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường. Ông Lực chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta đang bàn đến chuyện xây dựng thương hiệu tôm quốc gia, nhưng thử hỏi, nếu các doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu sạch thì doanh nghiệp lấy gì làm nền tảng để xây dựng thương hiệu?”. Chỉ với câu hỏi này thôi cũng đã nói lên tầm quan trọng hàng đầu của các chương trình vĩ mô, mà cụ thể là ở tầm vĩ mô phải ý thức, khởi động trước, làm cơ sở hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho mình.
Theo đó, các chính sách, thể chế, quy định… từ vĩ mô hỗ trợ cho các doanh nghiệp tôm phải thiết thực và thật sự được triển khai một cách hiệu quả, sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp mạnh tay xây dựng thương hiệu. Khi đa phần doanh nghiệp đã xây dựng tốt thương hiệu cho mình sẽ tạo sự cộng hưởng hình thành thương hiệu cho tôm quốc gia. Cho nên, theo các doanh nghiệp cần có sự phối hợp đồng bộ cấp vĩ mô và các doanh nghiệp, trong đó, cấp vĩ mô tạo những hành lang pháp lý thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp quyết tâm xây dựng thương hiệu cho mình. Nếu được nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công, bóng dáng thương hiệu quốc gia tôm Việt sẽ dần rõ nét.
Còn theo ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, đối với ngành tôm, Việt Nam là một trong số những quốc gia hàng đầu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào chế biến. Chính điều này đã giúp sản phẩm tôm Việt Nam vẫn duy trì được thế cạnh tranh trên thị trường thế giới dù giá thành sản xuất của ta có cao hơn một số nước. Tuy nhiên, thế mạnh này sẽ không duy trì được lâu nếu chúng ta không nhanh chóng đầu tư về cơ sở hạ tầng, con giống, vật tư đầu vào và vốn phục vụ cho nghề nuôi để giúp giảm tỷ lệ thiệt hại, tăng năng suất, từ đó giảm giá thành nguyên liệu tôm. Ông Phục cho biết: “Theo tôi, nếu giải được bài toán giảm giá thành, nâng cao tỷ lệ diện tích nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế, vị thế con tôm Việt Nam sẽ còn được nâng cao hơn nữa”.
Hiện tại, tuy các doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến hơn nhiều, nhưng về lao động có trình độ, tay nghề vẫn còn là bài toán khó. Do đó, mỗi khi vào giai đoạn thu hoạch tôm rộ, doanh nghiệp có muốn mua tôm nguyên liệu nhiều hơn cho người nuôi cũng khó thực hiện do thiếu lao động, còn nếu muốn tăng ca doanh nghiệp cũng khó thực hiện do vướng các quy định về trách nhiệm xã hội từ các nước nhập khẩu và một phần lao động cũng không muốn tăng ca... Ông Phục đề xuất: “Để tận dụng tốt lợi thế sẵn có về kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật, Nhà nước cần có chính sách đào tạo nghề cho lao động theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”.