Theo khung lịch thời vụ, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019 ở thị xã Vĩnh Châu bắt đầu vào đầu tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 9. So với cùng kỳ thì tiến độ thả nuôi tôm năm nay nhanh hơn. Tính đến những ngày cuối tháng 5, Vĩnh Châu đã thả nuôi trên 3.700 ha. Trong đó trên 3.000 ha tôm thẻ, diện tích còn lại là nuôi tôm sú. Từ đầu tháng 5 đến nay đã xuất hiện nhiều cơn mưa vừa đến mưa to trên diện rộng làm cho các chỉ tiêu về độ mặn, độ kiềm giảm, ảnh hưởng đến diện tích đang nuôi, nhất là tôm ở giai đoạn từ mới thả giống đến 1 tháng tuổi. Tại các vùng nuôi tôm, độ mặn trên các kênh cấp nước chính đều giảm từ 1-2 ‰. Mới thả nuôi tôm khoảng 1 tuần nay, trước diễn biến của thời tiết, ông Nguyễn Vũ Ca ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, lo lắng: “Hàng năm tôm chết là do đầu vụ mưa nhiều. Năm nay thì thấy có chết nhưng chết khoảng 5%, số còn lại cũng phát triển tốt”.
Bên cạnh thời tiết, nguồn nước chuyển biến bất thường, giá tôm ở thời điểm đầu vụ nuôi lại tiếp tục giảm làm người nuôi tôm càng lo lắng, đắn đo khi thả giống, bởi chi phí đầu tư cho nuôi tôm như vật tư thủy sản và giá tôm giống ngày càng “leo thang”. Trước tình hình giá tôm bấp bênh, ông Huỳnh Văn Thới ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, phân tích: “Thức ăn, con giống, thuốc thủy sản lên giá nhưng giá tôm thì sụt giảm. Nếu tôm thẻ 100 con/kg có giá 90.000 đồng trở lên thì người nuôi tôm mới có lời. Hiện giá còn có 70.000đ đến hơn 70.000đ/kg thì người nuôi tôm càng nuôi càng lỗ”.
Nhìn lại 3 năm qua, diện tích nuôi tôm thiệt hại của thị xã Vĩnh Châu tiếp tục tăng qua từng năm. Nếu như năm 2016, diện tích thiệt hại chiếm gần 20%, thì đến năm 2017 con số này chiếm trên 25% và riêng năm 2018 diện tích thiệt hại chiếm đến 37,5% trên tổng diện tích thả nuôi. Trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm xác định nguyên nhân và bàn về giải pháp khắc phục tình trạng tôm bị thiệt hại. Theo đó ngành chuyên môn đánh giá nguyên nhân gây thiệt hại tôm nuôi trong năm vừa qua, ngoài bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng còn có yếu tố môi trường như khí độc, thiếu ô xy, môi trường biến động. Diện tích thiệt hại bắt đầu tăng nhanh từ tháng 7 và cao nhất vào tháng 8. Ở Vĩnh Châu, vấn đề đặt ra cho vụ nuôi tôm năm nay là phải làm sao để ngăn chặn được con số thiệt hại này. Theo ông Lê Minh Trường, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Thị xã sẽ hỗ trợ bà con nuôi tôm khắc phục các quy trình nuôi tôm chưa đúng hoặc chưa đầy đủ. Đồng thời đề nghị ngành chuyên môn cấp tỉnh cử cán bộ hỗ trợ địa phương trong việc giúp người nuôi ngăn chặn các dịch bệnh trên tôm theo phương châm phòng là chính”.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Vĩnh Châu vào tháng 3/2019, ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo Vĩnh Châu cần tập trung các giải pháp giảm thấp con số tôm thiệt hại trong vụ nuôi năm 2019 này. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Tại sao phải để nuôi tôm thiệt hại tới 10.000ha. Đây là con số cần phải xem xét. Về mặt thị trường hiện nay trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu nuôi tôm 24.000ha nhưng chỉ mới 1.000ha sản xuất theo chuỗi giá trị, như vậy thì làm sao không bị hạn chế về mặt thị trường. Trong thời gian tới, chúng ta sản xuất theo hướng sạch thì không phải lo về thị trường”. Bí thư Tỉnh ủy còn cho rằng, hiện nay việc sản xuất manh mún đang là trở ngại rất lớn đối với Vĩnh Châu, nhất là trong cơ cấu lại nền nông nghiệp cũng như khắc phục tình trạng thiệt hại trên tôm nuôi. Vì vậy việc địa phương lãnh chỉ đạo định hướng người dân vào sản xuất theo hình thức hợp tác là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hệ thống quạt nước được người nuôi trang bị cho ao tôm.
Theo kế hoạch năm 2019, toàn thị xã Vĩnh Châu thả nuôi 24.000ha tôm thẻ và tôm sú. Thời điểm này đang vào đầu vụ, diện tích thả nuôi mới đạt hơn 15% kế hoạch. Sự quan tâm chỉ đạo cùng với những giải pháp về lâu dài của tỉnh Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu đã tạo thuận lợi cho vụ nuôi tôm 2019 sẽ đạt được kết quả tốt, để người dân ở vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh vơi bớt phần nào lo lắng trong vụ nuôi tôm năm nay cũng như những khó khăn của những năm vừa qua.