Ông đánh giá thế nào về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam?
Nếu nói về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chúng ta cần xem xét khía cạnh thuế quan giữa hai bên, để xem Việt Nam có thể gia tăng được thị phần ở hai thị trường này hay không.
Trung Quốc đang dần nhập khẩu thủy sản nhiều hơn so với xuất khẩu. Về xuất khẩu, tôm tẩm bột đang là mặt hàng được các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu nhiều vào Mỹ. Nếu có điều kiện hợp lý hơn, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể xem xét khả năng bù đắp phần xuất khẩu thiếu hụt của doanh nghiệp Trung Quốc do thuế quan tăng.
Ngược lại, về nhập khẩu, thị trường Trung Quốc nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ, nhưng đây là các mặt hàng không phải là thế mạnh của Việt Nam. Do vậy, tôi cho rằng, vấn đề chủ yếu là, nếu người tiêu dùng ở hai thị trường này thay đổi thị hiếu và lựa chọn những mặt hàng khác, thì mới tạo cơ hội cho Việt Nam.
Do giá cao vì thuế quan tăng, nên người tiêu dùng có thể điều chỉnh sang các sản phẩm khác. Nhưng họ không thể điều chỉnh ngay, mà phải xem có phù hợp hay không, có hợp với thị hiếu của họ không.
Nếu họ thay đổi thị hiếu, thì đây là vấn đề lâu dài, cần nghiên cứu và xem xét liệu chúng ta có thể đáp ứng được hay không.
Hiện tại, Mỹ đánh thuế mặt hàng thủy sản của Trung Quốc lên đến 30%, vậy ngành thủy sản Việt Nam có lo gian lận thương mại, khi doanh nghiệp Trung Quốc muốn đưa hàng thủy sản sang Việt Nam rồi xuất đi Mỹ?
Việc đó chắc chắn không làm được. Với yêu cầu xuất xứ, việc Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất sang Mỹ không thể xảy ra. Trong khi đó, thủy sản Việt Nam có chỗ đứng trên thế giới, chúng ta xác định làm ăn lâu dài, nên không có lý do gì để Việt Nam đánh mất uy tín.
Thực tế, trong thời gian gần đây, ngành thủy sản gần như không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước hiểu rõ tác hại của việc gian lận xuất xứ, nên sẽ không thể xảy ra tình trạng đó.
Mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2019 là đạt 10 tỷ USD, nhưng trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, nhân dân tệ mất giá, liệu ngành có thể cán đích, thưa ông?
Để đánh giá, ta phải xem xét từng lĩnh vực cụ thể.
Đầu tiên là tôm, chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD, thì 7 tháng đầu năm đạt 43%, thời gian cuối năm tiêu thụ tốt, nên xuất khẩu sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đạt mức 4,2 tỷ USD là khó khăn. Tôi dự báo, xuất khẩu tôm đạt 3,6 - 3,7 tỷ USD trong năm nay.
Tiếp theo, mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2,3 tỷ USD, thì 7 tháng đầu năm đạt khoảng 50% kế hoạch, nên có thể đạt mục tiêu, do cuối năm tiêu thụ tăng lên, bởi thị trường Trung Quốc sau một thời gian điều chỉnh, đến nay đã có dấu hiệu tăng trưởng.
Về hải sản, mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD, thì 7 tháng đạt 50%, nên cũng có khả năng về đích.
Tính chung, theo tôi, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD năm nay sẽ khó thực hiện được. Dự báo, xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt như năm ngoái (9 tỷ USD) hoặc cao hơn đôi chút.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, theo ông, đâu là thị trường trọng điểm của Việt Nam thời gian tới?
Hiện nay, thủy sản Việt Nam không phụ thuộc vào thị trường nào quá lớn. Với 4 thị trường lớn là EU, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, mỗi thị trường chiếm 15 - 17%. Trong khi đó, các thị trường khác có khả năng tiêu thụ và Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu.
Riêng ở thị trường Trung Quốc, đồng nhân dân tệ mất giá, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều, bởi Việt Nam cơ bản xuất khẩu tính theo USD.
Còn với thị trường Mỹ, trong 2 năm qua, chúng ta phải chịu mức thuế chống bán phá giá tôm 5%, nhưng nay không phải chịu thuế này, nên Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với Ấn Độ và Indonesia trong thời gian tới.