Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại.
Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế, xã hội đầu tư nghiên cứu, đào tạo, khuyến công, khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Ưu tiên đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, sản xuất, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước và các chính sách khác, trong đó có việc dành thêm quỹ đất và tín dụng ưu đãi cho việc trồng, thu hoạch, bảo quản, sản xuất, gia công, chế biến nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước.
Đầu tư và xã hội hóa đầu tư nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Khuyến khích phát triển mạnh hình thức xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.
Nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh
Nghị định quy định rõ nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh. Cụ thể, không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản. Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích tăng trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.
Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.
Sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng đảm bảo không gây tồn dư kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép trong sản phẩm chăn nuôi và không gây ảnh hưởng đến kháng kháng sinh trong điều trị bệnh của con người và vật nuôi.
Chỉ được phép sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.
Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017.