Khuất sau biển mặn: Diện kiến những người cưỡi… sứa

Không nghề nào kiếm tiền nhanh và nhiều như vớt sứa, mỗi lao động một ngày thu 1-2 triệu đồng là điều hết sức bình thường ở đảo

kiểm tra sứa
Kiểm tra sứa trong bể

Chuyến tàu cao tốc từ Vân Đồn (Quảng Ninh) đến huyện đảo Cô Tô đã rút ngắn được khoảng 2 giờ đồng hồ so với hải trình bằng tàu gỗ dập dềnh giữa biển thủa trước.

Hai năm không trở lại, giờ khách sạn, nhà hàng mọc lên nhiều như sứa vụ mùa trên biển. Nói đến loài vật phù du này tôi lại nhớ những tỉ phú, đại tỉ phú phất lên nhờ tài năng cưỡi… sứa của mình.

Đảo ma

Những đợt di dân đi kinh tế mới đầu tiên của người Việt ở Cô Tô diễn ra vào năm 1978, chủ yếu là dân gốc Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình. Họ đi trên những con thuyền thô sơ vượt sóng lớn ra giữ hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Cô Tô lúc đó hoang vắng, rợn ngợp đến mức tựa đảo ma. Phụ nữ ban ngày không dám lên đồi vì hàng trăm mồ hoang, mả hóa nằm xếp lớp, sẩm tối không dám ra biển vì sợ các xác chết dạt trôi.

Gia đình đông người được cấp phát tiêu chuẩn 20 kg lương thực một tháng, hộ neo người chỉ được 10 kg một tháng trong đó nửa là gạo, nửa là mì.

Họ lao vào công cuộc khẩn hoang đồng ruộng, mở mang chài lưới hay cải tạo bãi muối. Mỗi khu vực dân cư chỉ có một cái giếng đào thành bằng đá xếp, chờ nhau cả buổi mới múc được một hai thùng nước cặn, đục ngầu về lắng ăn.

Giữa biển khơi, khát từ tiếng gà gáy đến những cây đa, giếng nước, sân đình. Giữa biển khơi, tôm cá đầy rẫy mà quanh năm phải ăn cơm độn với khoai lang, chỉ những lúc cúng ông bà, tổ tiên mới giáp mặt được lưng bát cơm trắng.

Con lợn, con bò nuôi được cũng chẳng biết dắt đi đâu để bán vì có khi cả tháng mới có một chuyến tàu vào đất liền. Người ốm, người đau bao phen chết uổng vì không phương tiện sơ cấp cứu. Khổ cực quá, không ít kẻ đã bỏ đảo về bờ.

Chúa đảo

Tiếng là “chúa đảo” nhưng ông Bùi Văn Điển - cựu Chủ tịch xã Cô Tô (giờ là huyện Cô Tô) của những ngày gian khó vẫn kiên gan trụ lại.

Ngày ông làm việc nước, tối thắp đèn măng-xông cũng lưới chã, lưới rê, lưới đèn, câu mực như ai, đắp đổi nồi khoai, nồi sắn qua ngày. Giờ thì ông đã là tỉ phú nổi tiếng nhất khắp Cô Tô to, Cô Tô nhỏ, Thanh Lân hay đảo Trần nhờ vào cái tài…cưỡi sứa.

Kể cũng kỳ lạ, con sứa trước đây đối với dân vạn chài chỉ như bọt bèo, rều rác. Trời đang lạnh bỗng trở ấm thì sứa nổi lên trôi dạt trên biển đàn đàn, lũ lũ.

đội bè
Phi đội bè vớt sứa

Những con sứa to như cái mũ, cái nón, cái nia, lắm lúc kết thành bè khiến cho dân đánh lưới chã, lưới đèn, lưới rê như ông sợ mắc vào vì sẽ bục lưới mà vứt bỏ cũng ngứa tay, bỏng người.

Từng mảng, từng mảng sứa trôi dạt vào bờ biển, chết tanh ngòm, thối inh lên chỉ tổ mất công dọn.

Ông Điển là người mở đường nhiều nghề cho dân đảo như đóng tàu chạy bằng máy công nông đầu tiên thay cho thuyền buồm, mở nghề buôn hải sản đầu tiên từ đảo vào đất liền nhưng đáng kể nhất vẫn là mở nghề sứa làm giàu cho hàng trăm gia đình, đóng góp vào cỡ non nửa giá trị thu từ hải sản của huyện (khoảng trên 200 tỉ mỗi năm).

Ông kể: “Hồi năm 2003, khi một số thương gia Trung Quốc đến đảo với ý định mở xưởng chế biến sứa tôi đã tìm cách liên kết. Họ có kỹ thuật, có thiết bị còn mình có bãi để dựng xưởng. Dần dà, chịu khó tìm tòi mình học được kỹ thuật của họ và đứng ra mở xưởng riêng”.

Tiếp theo ông Điển, năm 2005 anh Nguyễn Văn Bình là người thứ hai, rồi bên Thanh Lân có ông Mai Công Đàm cũng mở xưởng.

Giờ đây cả huyện đảo đã có khoảng 40 xưởng, trong đó riêng gia đình ông Điển có tới 4 cái. Hầu như ai cũng thành tỉ phú nhờ vào nghề thu dọn “rác” của biển này.

4 cái xưởng nhà ông Điển mỗi vụ thu hút khoảng trên 100 lao động, chế biến hàng vạn thùng sứa, tức khoảng trên 100 tấn. Với giá mỗi thùng 10 kg nếu là sứa trắng khoảng 400.000đ, sứa đỏ còn đắt gấp 4-5 lần vì giá trị dinh dưỡng rất cao, tính ra mỗi vụ sứa một lượng tiền mặt 5-7 tỉ chảy vào két sắt nhà vị “chúa đảo”, trong đó lãi ròng cũng phải tiền tỉ.

Nhờ tài năng cưỡi sứa, ông và con cái ông đã xây dựng được 4 biệt thự, nhà tầng đẹp vào dạng có hạng trên đảo.

Giữa trùng khơi nhưng dân đi biển vẫn giữ những cách tính thời gian theo mùa vụ của đất liền nên sứa cũng có cả vụ chiêm và vụ mùa trong đó vụ mùa là chính kéo dài 5 tháng từ giáp Tết đến giữa hè.

Vụ sứa này, anh Nguyễn Văn Bình là người đầu tiên mở màn cho một mùa mới. Từ cầu cảng, tôi men theo con đường lởm chởm đá dọc bãi biển để đến khu xưởng gồm mấy cái lán công nhân, một dãy dài các bể ngâm, bể cắt sứa, bể quay sứa.

vớt sứa
Anh Bình đang vớt sứa

Chính vụ sẽ có hàng trăm công nhân đổ về đây rất nhộn nhịp nhưng giờ mới chỉ hơn chục người. Vụ sứa vừa rồi anh Bình thu được trên 2 tỉ lãi nên rất hi vọng vụ này cũng trúng đậm như thế.

Gió lộng, biển động, sóng gào nên đám công nhân nhàn rỗi túm tụm lại với nhau bên cái nồi luộc cua, ốc đương còn nghi ngút khói cải thiện đời sống. Tiếng cười nói rôm rả. Họ kéo tuột tôi vào ngồi chung vui.

Hầu hết công nhân đều là người từ vùng Nam Định, ăn ở chủ đã lo hết, công sá tính theo đầu sứa. Những tháng cao điểm mỗi người cũng để dôi ra được chục triệu mỗi tháng.

Mỗi vụ sứa lao động chế biến cũng phải ngàn người nhưng chưa nhằm nhò bằng lao động vớt sứa. Trong nghề biển, vớt sứa là công việc đơn giản nhất, ít đầu tư nhất.

Đó chỉ là những bè, mảng hay thuyền nhỏ gắn động cơ một người lái, một người cầm vợt xúc và một người kéo lên đổ vào khoang. Mỗi con sứa trung bình 30-40 kg nhưng có con nặng tới 70-80 kg, to như một cái nia.

Biển giàu có, sứa bạt ngàn chỉ sợ không đủ sức mà vớt, không đủ tải mà chở về. Sứa chất cao có ngọn trong lòng thuyền như những đống thịt phay sẵn. Sứa trắng lờ lờ trong nắng gió hanh hao. Mỗi ngày một thuyền có thể vớt được hàng ngàn con với giá mỗi con từ 5-10.000đ tùy kích cỡ, thu gọn dăm bảy triệu.

bể ngâm sứa
Dãy bể ngâm sứa nhà anh Bình

Hiện nay ở Cô Tô người ta không chỉ vớt sứa mà còn xuất hiện những tàu lớn thả lưới để bắt sứa, mỗi chuyến về cả ngàn, cả vạn con. Không nghề nào kiếm tiền nhanh và nhiều như vớt sứa, mỗi lao động một ngày thu 1-2 triệu đồng là điều hết sức bình thường ở đảo.

Ra Thanh Lân hay Cô Tô to, Cô Tô nhỏ những ngày này đến các trụ sở chính quyền có thể chứng kiến không ít bộ mặt đen xì, hốc hác vì… sứa. Chỉ những cặp mắt là sáng quắc lên như đèn măng-xông.

Ban ngày họ làm việc cho Nhà nước nhưng ban đêm họ làm việc cho gia đình bằng nghề vớt sứa. Một đêm làm có khi đã thu nhập bằng nửa tháng lương của cán bộ, ai mà chẳng ham? Một không khí làm giàu bất tận cứ dâng trào, sục sôi khắp nơi trên đảo như sóng biển buổi gió mùa.

Sứa vớt lên được cắt, óc riêng, nón (mình sứa) riêng, chân riêng rồi cho vào máy quay chừng 5-10 giờ cho tuột hết nhớt, sờ tay vào ráo là vớt lên cho muối, cho phèn vào chừng một tuần là đóng thùng bảo quản được.

Tổng sản lượng sứa của Cô Tô mỗi năm hàng trăm vạn thùng. Đó là chỉ tính riêng số bắt được còn lượng trôi dạt khắp biển khơi thì không biết đâu mà kể.

Vụ sứa, âu tàu thuyền đậu ken đặc, thuyền xếp hàng kìn kìn chở đi Trung Quốc để rồi từ đó lại xuất sang Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Đài Loan…

Chỉ tiếc mỗi một điều là đến giờ con sứa Cô Tô vẫn chưa khoác lên cho mình một thương hiệu riêng để có thể mà tự tin, lấp lánh, tỏa sáng giữa “sứa trường” quốc tế.

Báo Nông Nghiệp VN, 22/12/2015
Đăng ngày 23/12/2015
Dương Đình Tường
Kinh tế

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Chuyển đổi xanh trong ngành chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm đông lạnh, không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hành trình này đang gặp nhiều rào cản lớn liên quan đến chi phí, cơ sở hạ tầng và quản lý năng lượng.

Chế biến tôm
• 10:29 21/11/2024

Cua ghẹ Việt Nam tăng trưởng ấn tượng khi hút hàng tại Trung Quốc

Xuất khẩu cua ghẹ và các loại giáp xác khác của Việt Nam đang có sự bứt phá ngoạn mục trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Trung Quốc. Số liệu từ tháng 9/2024 cho thấy, ngành hàng này tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Ghẹ
• 09:34 20/11/2024

Xuất khẩu cua ghẹ và nhuyễn thể tiếp tục tăng từ đầu năm đến nay

Ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu, đặc biệt đối với nhóm sản phẩm cua ghẹ và nhuyễn thể có vỏ. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt mức ấn tượng trong tháng 10/2024, với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhuyễn thể
• 11:14 18/11/2024

Phát triển các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng

Ngành thủy sản là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng là hướng đi tất yếu và bền vững.

Tôm chế biến sẵn
• 10:07 18/11/2024

Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các chế phẩm sinh học

Một trong những giải pháp bền vững, an toàn và hiệu quả là sử dụng các chế phẩm sinh học. Chế phẩm sinh học không chỉ giúp cải thiện sức đề kháng cho tôm mà còn có lợi cho môi trường ao nuôi, giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh và các hóa chất độc hại.

Tôm thẻ
• 20:30 24/11/2024

Phân biệt bệnh đốm trắng trên tôm do vi khuẩn và virus

Bệnh đốm trắng trên tôm là một trong những bệnh nguy hiểm và phổ biến nhất đối với ngành nuôi tôm, gây thiệt hại lớn về kinh tế và sản lượng. Đây là bệnh có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây ra, trong đó nổi bật là các loại vi khuẩn và virus. Dù cả hai loại tác nhân này đều gây ra các triệu chứng tương tự nhau, nhưng nguyên nhân, cách thức lây lan, cũng như phương pháp điều trị và phòng ngừa lại hoàn toàn khác biệt

Tôm thẻ chân trắng
• 20:30 24/11/2024

Những điểm mạnh từ sự phát triển ngành thủy sản Australia mà Việt Nam có thể học hỏi

Ngành thủy sản Australia không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng cao mà còn được xem là hình mẫu về phát triển bền vững.

Thủy sản
• 20:30 24/11/2024

Thần tình yêu đại dương - Cá thần tiên rạn san hô

Cá thần tiên rạn san hô Tosanoides Aphrodite là một phát hiện đầy bất ngờ trong thế giới sinh vật biển. Được các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học California (Mỹ) công bố, loài cá này không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ đẹp lộng lẫy mà còn khiến cộng đồng khoa học ngạc nhiên khi chúng chưa từng được ghi nhận trước đây. Cùng tìm hiểu về loài cá được mệnh danh là "thần tình yêu đại dương" này!

Tosanoides Aphrodite
• 20:30 24/11/2024

Tôm vào vụ đông - Sale không giới hạn

Khi tôm vào vụ mới công tác chuẩn bị vật tư, vệ sinh ao, nguồn nước,... là những khâu quan trọng để có một mùa vụ thành công. Việc này ngoài bỏ công sức ra thì cũng tốn khá nhiều chi phí. Để tiết kiệm hơn, bà con hãy ghé ngay Farmext eShop, tại đây sắp diễn ra nhiều ưu đãi cực to cho các sản phẩm phục vụ nuôi tôm vụ đông.

Tôm vào vụ đông
• 20:30 24/11/2024
Some text some message..