Cụ thể, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong ươm cá mè vinh, cá tra cho lợi nhuận 35 triệu đồng/ha/vụ đối với cá mè vinh và 400 triệu đồng/ha/vụ đối với cá tra. Mô hình giúp bà con nắm vững quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, tạo sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Hướng đến tạo ra vùng sản xuất giống cá tra đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ vùng nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Nuôi ếch thương phẩm trái vụ cho lợi nhuận 5 triệu đồng/1.000 con ếch, gấp đôi so với nuôi vụ thuận. Mô hình có thời gian nuôi ngắn, diện tích nhỏ nên khả năng nhân rộng cao, đặc biệt ở các nông hộ có ít vốn sản xuất và khu vực thành thị.
Còn đối với mô hình kết hợp cá - lúa, lợi nhuận của mô hình 3 vụ lúa kết hợp 1 vụ cá cao gấp 2 lần so với chỉ trồng 3 vụ lúa, vì ngoài thu hoạch lúa với sản lượng cao hơn 8 - 10% so với ruộng bình thường do nuôi cá trên ruộng sẽ tận dụng được thức ăn thừa của cá và phân cá thải ra làm tăng độ phì nhiêu của đất, tiết kiệm được 10 - 12% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Đặc biệt, đây là mô hình tạo ra sản phẩm cá - lúa an toàn, sản xuất thân thiện với môi trường là hướng đi bền vững trong tương lai.
Đối với các mô hình nuôi thủy sản nước lợ, Trung tâm khuyến nông tỉnh tập trung vào các đối tượng có giá trị cao như nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu… Trong thời gian qua, Trung tâm khuyến nông đã đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào nghề nuôi tôm nước lợ như nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi luân canh tôm - lúa, nuôi ghép tôm sú với cá rô phi hoặc tôm thẻ chân trắng, nuôi đối tượng mới (tôm càng xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng, cá kèo…), ươm cá tra giống sau vụ tôm, nuôi tôm quảng canh cải tiến luân canh trồng lúa.
Nuôi tôm sú luân canh trồng lúa theo hình thức 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, tạo nên môi trường ao nuôi bền vững theo quy trình này thì nền đáy ao sẽ có thời gian phục hồi giúp cho tôm nuôi trở nên bền vững hơn, thể hiện nhiều ưu thế phát triển, phù hợp với xu thế chung, nhất là rủi ro dịch bệnh thấp, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Hiện nay, diện tích nuôi tôm - lúa toàn tỉnh khoảng 1.000 ha, chủ yếu ở huyện Tân Phú Đông, năng suất lúa 5 - 6 tấn/ha, năng suất tôm khoảng 500 - 600 kg/ha.
Trong năm 2014, các mô hình được đánh giá cao là nuôi tôm sú - tôm thẻ chân trắng kết hợp hay nuôi tôm thẻ kết hợp cá rô phi. Qua theo dõi mô hình đạt hiệu quả do giúp ổn định chất lượng nước và đáy ao, tăng cường sức khỏe cho tôm vì hạn chế được bệnh xảy ra trên tôm, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đây là mô hình có khả năng phát triển bền vững trong tương lai. Còn mô hình ươm cá giống sau vụ tôm sú đã giúp người nuôi mang lại lợi nhuận trong tình hình giá tôm thương phẩm giảm thấp. Bình quân mỗi hecta ao ươm cho sản lượng 500 - 700 ngàn con cá giống, người nuôi thu được lợi nhuận từ 60 - 280 triệu đồng/ha.