Khả năng ứng dụng của cây cỏ sữa lá lớn
Theo Đỗ Tất Lợi (2004), cỏ sữa lá lớn có tên khoa học: Euphorbia hirta L thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae), là cây sống hằng năm hay lâu năm, thân mọc thẳng, cao 30 – 40 cm, màu đỏ nhạt, phủ lông màu vàng nhạt. Lá màu xanh lẫn màu đỏ, hình mác dài 2 – 3 cm, rộng 5 – 15 mm, mép có răng cưa nhỏ, cuống ngắn, hoa nhỏ có màu trắng đỏ nhạt và có hình cầu nằm xen kẽ lá. Quả lúc đầu đỏ sau chuyển thành màu xanh và nâu. Hạt màu đỏ nhạt, nhỏ. Ưa đất sỏi, đá, mọc hoang ở khắp Việt Nam.
Hoạt chất hóa học: Dược tính của cỏ sữa lá lớn cũng như khả năng chống lại quá trình oxy hóa mạnh nhất ở lá và thấp dần ở hoa, rễ và thân (Basma et al., 2011). Trong cỏ sữa lá lớn có chứa các hợp chất như: phenolic, đường, flavonoid, quercetine, saponin, sterol, alkaloid and terpenoid, tannins và triterpenoids. (Kader et al., 2013; Ahmad et al., 2012; Sharma et al., 2007). Các chất chiếm chủ yếu là flavonoid, sterol, tannins, triterpenoids (Shih and Cherng, 2012).
Một số nghiên cứu ảnh hưởng của cây cỏ sữa lá lớn lên động vật thủy sản:
Chiết xuất từ cây cỏ sữa có hoạt tính kháng khuẩn chống lại nhiều chủng vi khuẩn như: Escherichia coli, Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus, Aeromonas hydropilla, Vibrio alginolyticus (Sudhakar et al., 2006; Yuliana Salosso and Yudiana Jasmanindar, 2014).
Ngoài ra, cỏ sữa còn được xem như chất kích thích miễn dịch vì lá cây có khả năng làm tăng hàm lượng lysozyme (chất tiết ra do hoạt động của đại thực bào) trong huyết tương và số lượng tế bào bạch cầu trung tính ở cá chép (Shih et al., 2012)
Ứng dụng cây cỏ sữa lá lớn trên cá tra
- Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hội (2018) nhằm đánh giá khả năng ảnh hưởng của chất chiết cây cỏ sữa lá lớn lên một số chỉ tiêu sinh lý máu, enzyme tiêu hóa trong ruột và dạ dày của cá tra.
- Bố trí thí nghiệm: (cá tra giống có khối lượng 13,96±0,32 g/con) sẻ được thuần 2 tuần trước khi thí nghiệm. Cá được bổ sung chất chiết từ cây cỏ sữa lá lớn vào thức ăn với các nồng độ 0g/kg, 0.2 g/kg, và 1g/kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 60 ngày và thu mẫu vào ngày 0, 30 và ngày thứ 60. Cá ngừng cho ăn 24 giờ trước khi tiến hành thu mẫu.
Kết quả
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy chất chiết từ cỏ sữa lá lớn có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus).
Bổ sung chất chiết từ cỏ sữa lá lớn ảnh hưởng tích cực, số lượng bạch cầu tăng mạnh ở nồng độ 0,4% (329,45x103 tế bào/mm3).
Nghiệm thức bổ sung chất chiết cỏ sữa lá lớn ở nồng độ 0,4% làm giảm hàm lượng glucose, tăng khả năng chịu đựng stress.
Chiết xuất từ cây cỏ sữa lá lớn được xem như chất kích thích miễn dịch vì lá cây có khả năng làm tăng hàm lượng lysozyme (chất tiết ra do hoạt động của đại thực bào) trong huyết tương và số lượng tế bào bạch cầu trung tính ở cá chép (Shih et al., 2012). Kết quả trên cho thấy việc sử dụng chất chiết từ cây cỏ sữa lá lớn cải thiện miễn dịch trên cá tra giúp cá phòng bệnh hiệu quả. Báo cáo này cung cấp thêm thông tin cho việc sử dụng thảo dược trong nuôi cá tra hạn chế kháng sinh và hóa chất trong điều trị bệnh, đảm bảo chất lượng, ổn định môi trường.
Theo nghiên cứu của NGUYỄN THỊ HỘI và cộng sự 2018