Cá bớp (hay còn gọi là cá giò, cá bóp) là đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao, nhanh lớn, dễ nuôi, ít bệnh và phù hợp với hình thức nuôi công nghiệp tạo sản lượng hàng hoá lớn. Thịt cá bớp trắng, ngon và bổ dưỡng. Hiện nay, một số quốc gia như Philippine, Mỹ và Australia, Ấn Độ,... cũng đang có chiến lược phát triển nuôi cá bớp. Trong tương lai cá bớp sẽ trở thành đối tượng nuôi chính, đóng góp sản lượng chủ yếu vào nghề nuôi cá biển.
Cá bớp phân bố rộng ở nhiều vùng biển trên thế giới từ vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và cả vùng nước ấm của biển ôn đới. Ở Việt Nam cá phân bố cả vùng nước ven bờ và xa bờ từ Bắc đến Nam.
Cá bớp thuộc loại cá dữ, ăn thịt động vật. Tốc độ sinh trưởng của cá nhanh, có thể đạt cỡ 4-6kg sau một năm nuôi. Mùa vụ sinh sản của ở miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Do Cá Bớp có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường tương đối cao nên được nuôi khá phổ biến ở nhiều tỉnh ven như Quảng Ninh , Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang.. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi lồng trên biển.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn còn dựa vào nguồn cá giống được đánh bắt ngoài tự nhiên, không chủ động, thiếu giống, giá không ổn định và kích cỡ không đồng đều, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, năng suất và hiệu quả nghề nuôi. Chính vì thế, việc nghiên cứu kích thích cá bớp sinh sản là rất cần thiết, góp phần xây dựng qui trình sản xuất giống, nhằm tạo ra nguồn giống để cung cấp cho người nuôi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL và cả nước nói chung.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu kích thích sinh sản cá bóp bằng hormon HCG và LHRHa với các liều lượng khác nhau đã được thực hiện.
Nguồn cá bố mẹ được dùng trong nghiên cứu là từ nguồn cá được nuôi vỗ và khối lượng cá dao động từ 10 – 12 kg/con.
Nuôi vỗ thành thục
Cá bớp bố mẹ dùng để chọn kích thích sinh sản có nguồn từ cá được nuôi thương phẩm (nguồn cá giống được bắt từ tự nhiên) với kích cỡ ban đầu dao động từ 8 – 12 kg (cá khoảng 18 tháng tuổi), sau đó tiến nuôi vỗ trong lồng có thể tích 64 m3, mật độ nuôi 40 con/lồng, tỷ lệ đực cái là 1:1 và được cho ăn bằng cá tạp với lượng 3 – 5% khối lượng thân/ngày.
Sau 2 – 3 tháng nuôi vỗ, tiến hành chọn cá đã thành thục sinh dục (10 – 12 kg/con) để tiêm chất kích thích sinh sản: cá cái thành thục sinh dục có biểu hiện bụng căng tròn đều, lỗ sinh dục to và ửng hồng hay có thể dùng que thăm trứng có đường kính 1,2 mm. Khi trứng cá có màu vàng sậm, đường kính trứng đạt từ 0,7 mm trở lên và khi quan sát trứng bằng dung dịch sera nếu thấy nhân lệch hơn 50% trên tổng số trứng quan sát thì ta chọn cá để cho sinh sản. Đối với cá đực, cũng tiến hành lấy sẹ tương tự như lấy trứng, khi sẹ có màu trắng đục và có khả năng hòa tan nhanh trong môi trường nước.
Các loại hormone và liều lượng được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm
(i) Không tiêm (cá đẻ tự nhiên)
(ii) HCG được tiêm với 3 liều 250; 500; 750 UI/kg cá cái
(iii) LHRHa cũng được tiêm với 3 liều lượng 20; 30 và 40 g/kg cá cái.
Cá cái và cá đực được tiêm cùng một thời gian và tiêm 1 lần.
Với mỗi liều lượng tiêm từ 3 – 5 cặp cá bố mẹ. Cá đực được tiêm với liều bằng ½ liều lượng cá cái.
Kết quả cho thấy, thời gian hiệu ứng dao động từ 36 – 62 giờ và tỷ lệ cá đẻ dao động từ 25-80%, với chất kích thích LHRH-a 20 và 30µg/kg thì tỷ lệ đẻ đạt cao nhất (80%).
Sức sinh sản thực tế trung bình dao động từ 76.601 – 91.058 trứng/kg/lần.
Tỷ lệ thụ tinh của trứng ở nghiệm thức tiêm 20µg LHRH-a, 30µg LHRH-a cho kết quả tốt hơn (73,17 – 84,44%) so với các nghiệm thức còn lại, tỷ lệ nở cũng đạt cao nhất (74,24 – 83,58%) và tỷ lệ cá bột dị hình thấp (6,8 – 9,54%).
Tóm lại, trong sinh sản nhân tạo cá bớp thì tiêm LHRH-a với liều 20-30 µg/kg được khuyến cáo áp dụng.
Thành công bước đầu trong sản xuất giống nhân tạo cá bớp có ý nghĩa rất quan trọng cho việc hoàn chỉnh qui trình sản xuất giống nhân tạo cung cấp đủ nguồn giống cho thị trường, đảm bảo phát triển bền vững nghề nuôi cá bớp lồng trên biển không chỉ của tỉnh Kiên Giang mà còn cho các tỉnh ven biển.
Theo Nguyễn Anh Tuấn , Lê Quốc Việt và Trần Ngọc Hải