Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 4.000ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó tỷ lệ thiệt hại trên 70% là 1.369ha, tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 70% là 2.672ha. Tôm bị thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn 40 - 60 ngày tuổi. Nguyên nhân là do tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp (chiếm 38%); do môi trường, thời tiết (chiếm 34%); bệnh đốm trắng (chiếm 12%); bệnh phân trắng (chiếm 10%); bệnh đỏ thân (chiếm 3%)...
Một số người nuôi tôm lạm dụng hóa chất trong xử lý nước, cải tạo ao nuôi đã tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ sinh thái trong môi trường nuôi. Sử dụng kháng sinh không đúng cách trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đã tạo dòng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, gây nên hiện tượng lờn thuốc, khi tôm xảy ra bệnh sẽ rất khó điều trị.
Tình trạng hóa chất, dư lượng kháng sinh còn chứa trong sản phẩm thủy sản ở dạng nguyên chất hoặc đã chuyển hóa là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm, gây tác hại đối với sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy, định kỳ hàng tháng, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra sự tồn lưu dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong sản phẩm thủy sản nuôi, qua đó kịp thời cảnh báo, hướng dẫn biện pháp khắc phục.
Trước tình hình sử dụng hóa chất, kháng sinh làm giảm chất lượng con tôm, ngành chức năng khuyến cáo các hộ nuôi tôm sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng con tôm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tại Diễn đàn tôm Việt (vừa được tổ chức ở Bạc Liêu) với chủ đề Xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, nhiều công ty, doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học phục vụ ngành tôm. Đồng thời kết hợp với các ứng dụng công nghệ cao nhằm sản xuất tôm sạch đáp ứng các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính. Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Ngành chức năng khuyến cáo các hộ nuôi tôm sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, từng bước thay thế cho kháng sinh, hóa chất nhằm nâng cao chất lượng con tôm”.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản là hướng đi có ý nghĩa thực tiễn về khía cạnh bảo vệ môi trường và bảo đảm hiệu quả sản xuất. Việc hạn chế sử dụng thuốc hóa học, hóa chất, kháng sinh trong phòng trừ dịch bệnh, mà thay vào đó là tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm góp phần đưa nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững. Chế phẩm sinh học có tác dụng ngăn ngừa nguồn gây bệnh hơn là trị bệnh. Do vậy việc sử dụng chế phẩm sinh học sẽ hạn chế được việc sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm an toàn, có tính bền vững cao.