Đoàn đến kiểm tra quy trình nuôi tôm công nghiệp sử dụng vi sinh ứng dụng vào công nghệ Biofloc ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Theo đánh giá, quy trình nuôi giảm từ 10 – 20% chi phí so với nuôi tôm công nghiệp truyền thống, ước tính năng suất thu hoạch đạt từ 150 – 200 tấn/ha/năm và có thể tăng số vụ nuôi lên 4 – 5 vụ/năm. Mô hình nuôi cua, sò huyết kết hợp của Tổ hợp tác Nuôi cua thương phẩm 2/9 ở ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước. Từ năm 2015 tổ hợp tác thực hiện nuôi cua, sò kết hợp; chỉ tính riêng lợi nhuận từ nuôi sò đã mang lại thu nhập ước tính từ 100 – 150 triệu đồng/ha.
Sau huyện Cái Nước, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử làm trưởng đoàn tiếp tục tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.
Đoàn đến tham quan quy trình nuôi tôm công nghiệp trải bạt khép kín ứng dụng công nghệ CP tại ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, mô hình nuôi tôm công nghiệp năng suất cao trải bạt khép kín ở ấp Xẻo Mấm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển; tham quan mô hình nuôi vịt biển tại vùng mặn do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh triển khai thử nghiệm với quy mô 2.600 con, hỗ trợ cho 26 hộ nuôi. Sau 3 tháng nuôi, loại vịt này đạt trọng lượng từ 2,8 – 3,2 kg/con, tỷ lệ sống lên đến 100%, thích nghi hoàn toàn với vùng nước mặn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đánh giá cao hiệu quả của các mô hình này, lưu ý nếu chứng minh tính hiệu quả vượt trội thì các ngành chuyên môn cần tổ chức nhân rộng các mô hình này nhằm đa dạng trong sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân./.