Tìm đến nhà ông Tâm, chúng tôi phải mất hơn một tiếng đồng hồ để đi qua những con đường nông thôn quanh co. Đến đây, hình ảnh đầu tiên nhìn thấy chính là ông Tâm với thân hình hơi gầy và đôi mắt sâu ẩn chứa nhiều nghị lực vượt khó và những bể nuôi rắn ri voi được sắp xếp khá kỹ lưỡng. Theo ông Tâm, đến với nghề này như một cái duyên tình cờ khi ông mua được 13 con rắn ri voi của người dân địa phương bán lại vào năm 2010, nhưng bằng sự chăm sóc chu đáo, đàn rắn phát triển tốt và sinh sản rất nhanh.
Ông Tâm cho biết: “Nghề nuôi rắn ri voi cho thu nhập khá cao, không dưới 50 triệu đồng/năm từ bán rắn thương phẩm và con giống. Nhờ đó mà kinh tế gia đình dần ổn định, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Vì thế, qua hơn 5 năm nuôi, hiện tôi đã phát triển được 8 bể nuôi, với hơn 300 con rắn ri voi lớn nhỏ khác nhau, trong đó có nhiều rắn lớn có thể xuất bán được. Còn số rắn nhỏ tôi thả vèo, tập cho ăn để chuẩn bị đưa lên bể xi măng nuôi thương phẩm”.
Để nuôi rắn ri voi có hiệu quả, ông Tâm đã phải tự thiết kế bể nuôi và tách đàn, phân cỡ, nhất là tập cho rắn ăn quen dần với các loại cá như: cá rô, cá sặc… nhằm tránh trường hợp cắt cử rắn ăn khi không tìm được mồi. Quan trọng là phải quan sát, theo dõi thường xuyên, phòng khi rắn bệnh mà có cách xử lý kịp thời. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, nuôi vèo là bước khá quan trọng, vì lúc nhỏ cần tập cho rắn con thích nghi dần với môi trường nước tự nhiên thì ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp.
Ông Tâm còn cho biết, đối với nuôi vèo, phải sử dụng một lớp lưới mùng Thái và thả thêm ít lục bình và rong tự nhiên để che nắng làm chỗ cho rắn trú ẩn. Bởi cách làm này, vừa hạn chế được cua cắn lưới, vừa tận dụng sức nước làm sạch môi trường nuôi, rắn phát triển nhanh. Còn đối với nuôi bể xi măng cố định thì cần thả thêm ít cá rô phi, cá tai tượng để chúng ăn rong rêu, làm sạch môi trường nước.
Có thể nói, các kỹ thuật nuôi trên là do ông Tâm tự tích lũy kinh nghiệm và không ngừng học hỏi thực tế mà có. Cho nên, ông hiểu rất rõ tập tính phát triển và sinh sản của loài rắn ri voi. Sau hơn 1 năm nuôi thương phẩm, ông Tâm tiếp tục chọn lọc ra những con rắn đực để xuất bán trước, còn những con rắn cái để cho sinh sản, nối đàn tiếp vụ sau. Đồng thời, để bán có giá và thu về lợi nhuận cao, ông thường bán rắn ri voi vào tháng 3 hàng năm, vì lúc này tiết trời khô mát, rắn khan hiếm nên giá rất cao. Nhờ vậy, khoảng tháng 3 vừa qua, ông xuất bán hơn 17kg rắn ri voi, với giá 440.000 đồng/kg, thu về gần 8 triệu đồng.
Ngoài ra, ông dự định cuối năm nay sẽ xuất bán thêm 20 con rắn ri voi bố mẹ, ước sản lượng đạt từ 25kg trở lên để giúp gia đình có tiền trang trải tết.
Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, thông tin: Trong tất cả các mô hình nuôi rắn ri voi ở địa phương thì mô hình nuôi vèo và nuôi thương phẩm nhà ông Tâm là mang về hiệu quả cao. Với ông Tâm, nuôi rắn ri voi không còn là cái nghề kiếm tiền mà đã trở thành sự đam mê, tìm tòi học hỏi để mang lại sự thành công. Tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục nhân đàn rắn ri voi ở địa phương và áp dụng nuôi theo hình thức này. Ngoài ra, còn tăng cường quản lý, kiểm soát, hỗ trợ kỹ thuật nhất định và pháp lý để người dân yên tâm nuôi. “Tuy nhiên, khi nuôi vèo rất khó để phát hiện rắn bị bệnh, vì vậy người nuôi cần lưu ý theo dõi sự phát triển của rắn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra lưới mùng nhằm tránh trường hợp bị cua cắn rách lưới, rắn ra ngoài làm hao hụt sản lượng, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình”, ông Thế Anh khuyến cáo.