P V: Ninh Bình không hẳn có tiềm năng kinh tế biển, nhưng trong năm năm qua, kinh tế biển đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của tỉnh. Có thể hình dung định hướng khái quát về kinh tế biển ở Ninh Bình ra sao ?
Đồng chí Bùi Văn Thắng : Trong tám huyện, thị xã của tỉnh Ninh Bình, chỉ có huyện Kim Sơn nằm ven biển. Chiều dài bờ biển chỉ ở mức khiêm tốn là 18 km nằm trên địa bàn sáu xã bãi ngang và xã gồm Kim Hải, Kim Đông, Kim Trung nằm giữa đê Bình Minh 1 và 2. Bờ biển Kim Sơn có đặc thù là tính bồi lắng cao, hàng năm lấn ra biển từ 80m đến 100m khá thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản. Tổng diện tích ven biển ở Kim Sơn là 11 nghìn ha và cách bờ biển chừng 6 km có bãi bồi gọi là Cồn Nổi với diện tích chừng 700 ha. Tại khu vực Cồn Nổi, nhân dân Kim Sơn đang khai thác để nuôi ngao với sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch số 14/KH-UBND, Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế ven biển đến năm 2010 định hướng đến năm 2020. Theo đó, các ngành trong tỉnh Ninh Bình phối hợp với chính quyền cơ sở xây dựng vùng kinh tế biển trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn trong huyện. Chỉ tính năm 2011, Ninh Bình có hơn ba nghìn ha nuôi trồng hải sản với tổng giá trị 225 tỷ đồng. Năm 2012, riêng Kim Sơn thu hoạch hơn 15 nghìn tấn thuỷ hải sản các loại.
Các loại hải sản chủ lực là tôm he chân trắng, tôm sú, cá nước lợ và đặc biệt là ngao Kim Sơn đang dần trở thành thương hiệu trên thị trường trong nước.
PV: Năm năm qua, Ninh Bình được T.Ư trợ giúp từ nhiều nguồn lực để xây dựng những tuyến đê biển kiên cố, triển vọng làm giàu từ kinh tế ven biển Kim Sơn có khả quan không, theo đồng chí?
Đồng chí Bùi Văn Thắng : Điều đó thì chắc chắn rồi. Từ năm 2007 đến hết năm 2012, tổng mức đầu tư cho việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn khoảng gần 27 nghìn tỷ đồng. Một số công trình khi đưa vào sử dụng mang lại lợi ích cho nhân dân, đó là đê chắn sóng Bình Minh 1,2,3 rồi dự án thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Vì thế, nông dân ven biển Kim Sơn không còn lo sóng biển đánh vào các đầm nuôi thuỷ sản khi mùa mưa bão. Ba xã bãi ngang gồm Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải đã chuyển đổi hoàn toàn đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Có cơ sở để hy vọng một sự chuyển mình ở vùng này khi hướng ra biển, phát triển kinh tế biển.
PV: Khảo sát tại cơ sở, chúng tôi thấy những xã bãi ngang vẫn là nơi có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Chủ tịch giải thích thế nào về vấn đề này ?
Đồng chí Bùi Văn Thắng : Thực tế đúng như vậy. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng ven biển Kim Sơn vẫn ở mức cao hơn so với nhiều nơi khác. Nguyên nhân chủ yếu tập trung ở mấy điểm, đó là do nhiều gia đình đông con, thiếu vốn, nhưng điều quan trọng nhất là người dân tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thuỷ sản còn nhiều hạn chế. Mặt khác, các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản hiện nay vẫn chưa sản xuất con giống tại chỗ vì thế nông dân phải vào các tỉnh miền Trung để mua con giống trôi nổi ngoài thị trường. Điều này không quản lý được dịch bệnh khiến tỷ lệ rủi ro cao. Phần lớn, nông dân nuôi tôm sú ở dạng quảng canh, hiệu quả thấp. Đó là những vấn đề chính quyền cần lưu tâm giúp dân tháo gỡ.
PV: Những trải nghiệm, kể cả thất bại, có giúp gì trong định hướng phát triển kinh tế ven biển ở Kim Sơn thời gian tới ?
Đồng chí Bùi Văn Thắng : Tất nhiên, những đổ vỡ hay nói là thất bại của nông dân trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở Kim Sơn là bài học không chỉ với gia đình họ. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền cơ sở cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo sao cho phù hợp.
Chẳng hạn như tăng cường mở lớp huấn luyện kỹ thuật nuôi thuỷ sản tại các thôn, xã. Mặt khác, hướng tới việc đầu tư kỹ thuật để xây dựng trại nhân giống tại chỗ. Có như vậy mới giúp nông dân kiểm soát chất lượng, giảm thiệu thiệt hại so với việc phải mua trên thị trường trôi nổi.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường trồng rừng ngập mặn phòng hộ để bảo vệ vùng nuôi trồng thuỷ sản, hướng dẫn nông dân thả con giống đúng mùa, vụ. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích tạo điều kiện để các dự án nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh, từ đó sẽ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ nuôi trong vùng.
Chúng tôi khẳng định sẽ sớm ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để khai thác tiềm năng thiên nhiên ban tặng cho Ninh Bình, nhất là khu vực Cồn Nổi đang được tỉnh quy hoạch trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng và nuôi trồng thuỷ sản quy mô lớn của huyện Kim Sơn và Ninh Bình.
PV: Xin cám ơn đồng chí.