Thủy sản là ngành nông nghiệp mũi nhọn của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 nhấn mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản và trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo, như một phương án nâng cao giá trị cũng như khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông nghiệp miền Tây.
Tuy nhiên, nuôi trồng và chế biến thủy sản cũng là ngành phát sinh ô nhiễm môi trường, với nhiều loại phát thải như nước thải, khí thải và chất thải rắn. Trong đó, ngành chế biến thủy sản được xếp vào mức III , tức là mức cao nhất trong danh mục các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được ban hành kèm với Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản vào năm 2020, trong chế biến thủy sản đông lạnh, cứ mỗi 1 tấn tôm thành phẩm sẽ thải ra 0,75 tấn phế thải. Con số này là 1,8 tấn và 8 tấn phế thải tương ứng với 1 tấn cá tra phi lê và 1 tấn nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (nghêu, sò…).
Nước thải cũng là vấn đề lớn của ngành thủy sản khi có chỉ số ô nhiễm ở mức cao, đặc biệt đối với các cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thủy sản.
Từ những thực tế đó, Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 được ban hành với mục tiêu chung là kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm; giải quyết sự cố môi trường; phát triển nguồn lợi thủy sản; giảm nhẹ phát thải nhà kính; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển mô hình kinh tế xanh; kinh tế tuần hoàn cho ngành thủy sản.
Trong đó, điều tra đánh giá thực trạng, đề xuất, xây dựng chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hoạt động thủy sản thân thiện với môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Đề án. Nhiệm vụ này do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thực hiện với Bộ Tài nguyên và môi trường, chính quyền địa phương, các hiệp hội nghề, tổ chức phát triển và cộng đồng doanh nghiệp.
Kinh tế tuần hoàn là giải pháp hiệu quả giúp ngành thủy sản vừa giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, vừa tạo ra nguồn lợi kinh tế to lớn. Một số mô hình thực tế của cộng đồng doanh nghiệp đã minh chứng cho điều đó.
Lấy ví dụ, nhiều công ty thủy sản lớn như Sao Mai, Vĩnh Hoàn, Việt Nam Food… đang đầu tư nghiên cứu và phát triển mảng chế biến những phụ phẩm của cá tra như dầu cá, bột cá, da cá tạo ra những dòng sản phẩm như dầu ăn cao cấp, thực phẩm chức năng…
Một phụ phẩm khác của ngành thủy sản là vỏ tôm hiện nay cũng đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung khai thác, chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao như dầu tôm, chitin, chitosan…
Vỏ tôm, dầu cá, da cá tra hay nhiều loại phụ phẩm khác đang được doanh nghiệp gọi là “mỏ vàng” của ngành thủy sản, đem lại giá trị thậm chí còn có thể cao hơn cả sản phẩm chính.
Bên cạnh đó, mô hình tận dụng phụ phẩm, chất thải từ nuôi trồng thủy hải sản để kích thích khả năng hấp thu dinh dưỡng của rừng ngập mặn ven biển cũng đã được áp dụng tại một số địa phương và cho thấy kết quả tích cực.