Lại nóng chuyện bửa đập nuôi tôm

Việc người dân thấy lợi nhuận từ nuôi tôm cao hơn trồng lúa nên tự đưa nước mặn vào vùng ngọt để nuôi tôm ngày càng trở nên báo động. Thực trạng này diễn ra nhiều năm và đang trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng ngành chức năng chưa có biện pháp giải quyết, xử lý triệt để, dẫn đến tình trạng thưa kiện trong nội bộ nông dân do xung đột lợi ích.

Chuyển đổi lúa sang tôm
Người dân Ấp 9, xã Khánh Lâm, đã chuyển toàn bộ diện tích sản xuất lúa sang nuôi tôm. Ảnh: HỒNG NHUNG

Nếu như vào mùa này những năm trước, người dân xã An Xuyên (TP Cà Mau) đang tất bật cày ải chuẩn bị cho vụ lúa hè thu thì năm nay cả cánh đồng hơn 130 ha, của trên dưới 100 hộ thuộc ấp Tân Thời và Tân Dân, toàn là nước mặn, có nơi vừa ngấm chân ruộng, có chỗ đã ngấp nghé đê. Cả khu vực xôn xao bởi một số hộ dân lén lút tự ý bửa đập đưa nước mặn vào nuôi tôm. Khi hay chuyện, họ gởi đơn thư khiếu nại khắp nơi nhằm "cứu" vùng canh tác lúa truyền thống, nhưng xem ra rất khó.

Con tôm “ăn” cây lúa

Ông Hai Hiền (Dương Thanh Hiền, ấp Tân Dân) đại diện của hơn chục hộ dân, gằn giọng: “Vùng này là đất quy hoạch lúa 2 vụ, bà con chúng tôi đã sống quen với cây lúa, con cá, yêu cầu bơm nước mặn ra sớm, trả lại hiện trạng ban đầu để chúng tôi còn có miếng cơm”.

Bà con đã sống nhiều đời ở đây bằng nghề trồng lúa, họ biết được lợi ích bền vững mà cây lúa đã đem lại. Còn một lý do nữa mà phần lớn người dân khu vực này không muốn nuôi tôm, bởi đa phần diện tích canh tác của bà con nhỏ lẻ, trung bình mỗi hộ chỉ từ 3.000-5.000 m2, chỉ số ít hộ có diện tích trên 1 ha nên họ nhận thức được sự rủi ro khi nuôi tôm và quyết tâm giữ cây lúa.

Dù nước mặn được đưa vào ngay thời điểm lúa đông xuân đã thu hoạch xong, không bị thiệt hại, nhưng phần lớn ao cá trong khu vực đang có nguy cơ mất trắng. Ông Phạm Thành Công, ấp Tân Dân, lo lắng: “6.000 m2 ao cá chình với khoảng 800 con cá không biết sống nổi hay không? Nước mặn đang thấm vào ao, hiện mực nước trong các ao lên gần 2 gang tay nên có nguy cơ mất trắng cả trăm triệu đồng”.

Chủ tịch UBND xã An Xuyên, TP Cà Mau - Nguyễn Thanh Hùng nhìn nhận: “Vụ việc xảy ra vào thời điểm ngay Tết Nguyên đán, lãnh đạo xã đã chỉ đạo cho đắp lại 2 lần nhưng một số hộ lại tiếp tục bửa bờ đưa nước mặn vào. Đến nay, toàn khu vực 2 ấp nói trên hầu như đã ngấm mặn bởi đất khô, nứt nẻ nên thấm rất nhanh, khó lòng khắc phục”.

Bà con nơi đây đưa đơn khiếu nại khắp nơi. Yêu cầu của họ được gửi đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhưng cái họ nhận lại chỉ 3 từ “chờ xử lý”. Cũng “điệp khúc chờ” này mà khiến hàng ngàn héc-ta lúa 2 vụ trong vùng quy hoạch của tỉnh bị phá vỡ. Vấn đề này không chỉ người dân xã An Xuyên, TP Cà Mau gặp phải mà rất nhiều địa phương khác cũng cùng cảnh ngộ khi mà sự hấp dẫn của con tôm ngày một lớn.

Huyện Thới Bình là một trong những địa phương có diện tích người dân tự ý dẫn nước mặn vào nuôi tôm ngoài quy hoạch lớn nhất tỉnh. Trong khi người trồng lúa phải đối mặt nguy cơ mất mùa, nợ nần chồng chất, thì những hộ tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm lại phấn khởi ra mặt. Ông Phan Văn Trung, Ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, cho biết: “Tôi lấy nước mặn vào nuôi tôm, sau đó nhiều hộ khác nữa. Vụ rồi nuôi tôm quảng canh thu hoạch được trên 14 triệu đồng/1,4 ha.  Nuôi tôm hiệu quả hơn trồng lúa nhiều, ở đây, nhiều người chuyển sang nuôi tôm rồi, đều hiệu quả cả. Nói chung là nuôi tôm có ăn hơn làm lúa”.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, người cùng xóm với ông Trung, góp chuyện: “10 công ruộng của gia đình tôi đã chuyển sang nuôi tôm rồi. Vụ đầu chưa thu hoạch nhưng thấy tôm phát triển rất nhanh, gia đình phấn khởi lắm. Ở những nơi khác cũng cấm không cho nuôi tôm nhưng người dân vẫn lấy nước vào nuôi tôm rồi trúng ầm ầm đó, có bị gì đâu”.

“Vượt” quy hoạch

Có lẽ kiểu “cấm thì cấm, cứ nuôi đi có bị gì đâu” được người dân các nơi thực hiện. Ông Hà Văn Quăng, Ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tươi cười nói: “Tôi là một trong những người nuôi tôm đầu tiên của ấp. Nuôi mấy chục năm nay rồi, lúc đầu bị thưa kiện suốt, có ngày nhận được cả 5 biên bản, mời lên mời xuống liên tục. Giờ thì nhà nhà đều nuôi tôm cả”.

Chuyện của ông Quăng xảy ra cách đây hơn chục năm, giờ thì khu vực này cũng đã được cho quy hoạch nuôi tôm rồi. Hiện ông cũng trở thành tổ trưởng tổ nuôi tôm quảng canh cải tiến của ấp với thu nhập mỗi năm trừ chi phí còn trên 150 triệu đồng.
Bà Trần Hồng Ửng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện U Minh, cho biết, toàn huyện có tổng diện tích quy hoạch nuôi tôm 11.500 ha, thế nhưng, chỉ tiêu của UBND tỉnh giao cho huyện 18.860 ha. Do đó, huyện cũng phải giao lại cho các xã chỉ tiêu nuôi tôm trên diện tích nhiều hơn diện tích được quy hoạch. Cụ thể như xã Khánh Lâm chỉ được quy hoạch gần 200 ha nuôi tôm, thế nhưng, chỉ tiêu năm 2016 mà xã được giao thực hiện là 740 ha.

Về vấn đề nuôi tôm ngoài quy hoạch trên địa bàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm (huyện U Minh) Lê Thanh Mãi cho biết: “Hiện tình trạng nuôi tôm ngoài quy hoạch của xã rất lớn, có những nơi toàn ấp đều nuôi tôm, trong khi toàn xã chỉ quy hoạch 220 ha, chủ yếu thuộc Ấp 1”. Thực tế trước đây xã Khánh Lâm chỉ được quy hoạch 112 ha nuôi tôm ở Ấp 1, do đây là vùng trũng, phèn nặng, trồng lúa không hiệu quả, sau nâng lên 220 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có 1.070 ha nuôi tôm, thậm chí nhiều người đã bắt đầu chuyển sang nuôi tôm công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 1, cho biết: “Gia đình có 4 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt hiệu quả khá cao, bình quân mỗi năm thu trên 100 triệu đồng. Hiện mới cải tạo 2 hầm để nuôi tôm công nghiệp, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục áp dụng trong thời gian tới”.

Từ chỉ vài hộ nuôi tôm ban đầu ở một vài ấp, giờ đây có 6/14 ấp của xã Khánh Lâm nuôi tôm, trong đó, có nhiều ấp toàn bộ người dân đều nuôi tôm. Ông Lâm Văn Nghĩa, Trưởng Ấp 9, xã Khánh Lâm, cho biết: “Năm 2002 chỉ có vài hộ nuôi tôm, nhưng đến năm 2009 thì toàn bộ hộ dân có đất sản xuất trong ấp đều chuyển sang nuôi tôm. Ở đây nuôi tôm đạt hiệu quả khá cao, trung bình 1 ha thu nhập trên 50 triệu đồng/năm”. Ấp 9, xã Khánh Lâm, mặc dù nằm ngoài vùng quy hoạch nuôi tôm của xã, thế nhưng trong ấp đã có Hợp tác xã nuôi tôm quảng canh cải tiến (HTX Vĩnh Phú).

Nói về vấn đề này, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện U Minh Trần Hồng Ửng cho biết: “Tình hình nuôi tôm tự phát đang diễn ra ở hầu hết các xã, Chủ tịch UBND huyện, Phòng Nông nghiệp có chỉ đạo, giải quyết nhiều lần nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để”.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm Lê Thanh Mãi thông tin: “Tình trạng người dân nuôi tôm tự phát diễn ra nghiêm trọng nhưng xã chỉ có thể lập biên bản, tuyên truyền để người dân không đưa nước mặn vào nuôi tôm, xã không có thẩm quyền xử phạt. Vấn đề này UBND huyện, Sở NN&PTNT nhiều lần giải quyết nhưng tình hình vẫn chưa dừng lại”./.

Phó Giám đốc  Sở NN&PTNT Cà Mau Nguyễn Văn Tranh: Kiên quyết giữ vùng ngọt hoá

Việc người dân trên địa bàn tỉnh tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm là sai so với quy hoạch. Quan điểm chung của ngành và UBND TP Cà Mau là giữ nguyên hiện trạng theo quy hoạch cũ; vẫn bố trí, quản lý, sản xuất chuyên lúa.

Sau khi rà soát và thực hiện Công văn 1213/UBND-NN của UBND tỉnh ngày 2/3/2016 về việc ngăn chặn tình trạng đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hoá để nuôi tôm, sau khi làm việc với UBND TP Cà Mau và Sở Tài nguyên - Môi trường, đã thống nhất một số giải pháp: một là giữ nguyên hiện trạng theo quy hoạch của vùng sản xuất 2 vụ lúa trên địa bàn xã An Xuyên; tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý quy hoạch. Hai là tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong Công văn 1213. Thành lập tổ kiểm tra, xử lý đối với những hộ dân có thông tin liên quan đến việc đưa nước mặn vào ruộng lúa như một số đơn yêu cầu.

UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với UBND xã An Xuyên nắm tình hình, ngăn chặn ngay từ đầu mối và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Việc đưa nước mặn vào vùng chuyên lúa đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Trước mắt không thể làm được lúa 2 vụ dù Phòng Kinh tế thành phố đã lắp đặt 4 máy bơm công suất lớn bơm nước mặn ra khỏi ruộng. Khi mưa xuống phải rửa, cải tạo lại và tạm thời chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, hướng dẫn người dân về kỹ thuật rửa mặn và chọn giống lúa chịu được vùng đất nhiễm mặn để cung cấp cho người dân sản xuất trong vụ hè thu năm 2016.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn 1213/UBND-NN ngày 2/3/2016 về việc ngăn chặn tình trạng đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá để nuôi tôm. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: yêu cầu UBND các huyện: U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, TP Cà Mau và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của việc tự phát đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá, vùng sản xuất lúa 2 vụ và đất lâm nghiệp để nuôi tôm; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng trên, nhất là điều tra, xác định và xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, lôi kéo người dân tham gia, tuyệt đối không để tình hình diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng trên địa bàn. Đồng thời, rà soát lại quy hoạch sản xuất, bố trí cây trồng phù hợp, xem xét đầu tư công trình thích hợp tại những vị trí xung yếu để kịp thời ngăn chặn tình trạng này./.

Hồng Nhung lược ghi

Báo Cà Mau
Đăng ngày 16/03/2016
Hồng Nhung, Đăng Tuấn
Nuôi trồng

Lợi ích của việc ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản

Nông nghiệp tuần hoàn là một phương thức sản xuất nông nghiệp mà các nguồn tài nguyên, vật liệu và chất thải được tái sử dụng và tái chế để tạo ra một hệ thống nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tạt vi sinh
• 11:13 06/10/2024

Cá đối: Loài nuôi ghép mang lại lợi ích cho ao tôm

Cá đối với tập tính là loài ăn tạp, do đó khi kết hợp nuôi trong ao tôm, chúng sẽ sử dụng triệt để chất thải của tôm, thức ăn thừa và cả tảo tàn. Điều này giúp môi trường trong ao tôm được cân bằng, đáy ao tốt, tôm sinh trưởng nhanh và hạn chế được một số dịch bệnh.

Cá đối mục
• 09:29 04/10/2024

Loài sứa nắm giữ bí quyết “trường sinh bất tử”

Thế giới tự nhiên bao giờ cũng tồn tại những bí ẩn khó lý giải, điển hình như trường hợp của một loài sứa có khả năng trường tồn gần như vĩnh hằng (dĩ nhiên là trừ khi chúng bị kẻ thù tiêu diệt).

Sứa biển
• 10:29 03/10/2024

Thời gian giãn cách cho các loại hóa chất xử lý ao tôm

Thời gian giãn cách cho các loại hóa chất xử lý ao tôm là một yếu tố quan trọng trong việc quản lý chất lượng nước và sức khỏe tôm. Khi sử dụng hóa chất, nếu không tuân thủ đúng quy trình và thời gian giãn cách, tôm có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến stress, giảm sức đề kháng hoặc thậm chí gây chết.

Ao nuôi tôm
• 09:41 03/10/2024

Lợi ích của việc ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản

Nông nghiệp tuần hoàn là một phương thức sản xuất nông nghiệp mà các nguồn tài nguyên, vật liệu và chất thải được tái sử dụng và tái chế để tạo ra một hệ thống nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tạt vi sinh
• 16:13 06/10/2024

Tôm hùm Bình Ba: Niềm tự hào của vùng biển Khánh Hòa

Tôm hùm đảo Bình Ba, Khánh Hòa là một đặc sản biển nổi tiếng với hương vị tươi ngon, thịt chắc và giàu dinh dưỡng. Được nuôi trồng trong môi trường biển trong lành, tôm hùm Bình Ba không chỉ thu hút du khách mà còn đóng góp quan trọng vào kinh tế địa phương, giúp đảo này trở thành "Quốc đảo tôm hùm" của Việt Nam.

Quốc đảo tôm hùm
• 16:13 06/10/2024

Khám phá lồng bè nuôi cá chục tỷ ở lòng hồ thủy điện Bản Chát Lai Châu

Lồng bè nuôi cá tại lòng hồ thủy điện Bản Chát, Lai Châu đã trở thành một mô hình kinh tế quy mô lớn và mang lại hiệu quả cao cho người dân địa phương.

Nuôi lồng bè
• 16:13 06/10/2024

Khuyến cáo bảo vệ các lĩnh vực thủy sản khi có bão

Từ tháng 10-12/2024, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, có khả năng xuất hiện bão trên biển Đông xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình hàng năm (4,5 cơn bão) và đổ bộ vào đất liền cao hơn trung bình hàng năm (1,9 cơn bão), tập trung ở Trung Bộ và phía Nam. Mùa mưa ở Nam Bộ có thể đến nửa cuối tháng 12/2024 mới kết thúc, muộn hơn bình thường. Bão gây mưa to, sóng biển cao ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng, khai thác thủy sản và chuyên gia khuyến cáo một số biện pháp bảo vệ.

Ao nuôi
• 16:13 06/10/2024

Cá ngọc trai và chiếc “hầm trú ẩn” lạ kỳ

Thế giới đại dương không chỉ là phần không gian bí ẩn đối với con người mà những sinh vật biển với sở thích, tập tính quái dị cũng thu hút chúng ta tìm hiểu không kém. Chẳng hạn như câu chuyện “cộng sinh” kỳ lạ giữa cá ngọc trai và hải sâm dưới đây.

Cá ngọc trai
• 16:13 06/10/2024
Some text some message..