Năm 1979, ông Bài rời quân ngũ, trở về quê nhà. Cuộc sống gia đình ông chỉ trông vào mấy sào ruộng. “Năm 2004, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi nhận thầu 1,5ha đất của xã” - ông Bài nhớ lại. Vay ngân hàng cộng với số vốn tích cóp được hơn 500 triệu đồng, ông đào ao nuôi cá và ba ba. “Trong 3 năm đầu hầu như tôi chỉ chi mà không có thu. Lời lãi từ cá, ba ba, tôi “nướng” vào cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống ao...” - ông Bài kể.
Với những bước đi vững chắc như thế đã đem về cho ông Bài nguồn thu bước đầu. Sau 3 năm, ông đã hoàn trả nợ cho ngân hàng. Sau 5 năm, ông đã có “của ăn, của để”. Từ 200 – 300 con ba ba ban đầu, ông phát triển lên tới hơn 2.000 con giống và thương phẩm. Riêng cá chép, trôi, mè… mỗi năm ông bán hơn chục tấn.
Năm 2009, thấy nuôi ếch thương phẩm Thái Lan cho hiệu quả kinh tế cao, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, ông mua giống về nuôi. Có thời điểm, nhiều thương lái đến mua ếch phải ngậm ngùi ra về vì ông Bài không có đủ ếch để bán.
Ngoài nguồn thu từ ếch, ba ba, cá, mỗi năm từ 250 gốc bưởi Diễn, 20 con lợn rừng cũng cho ông Bài nguồn thu nhập khá. Ước tính mỗi năm trang trại cho ông khoản thu từ 300 – 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 7 lao động tại địa phương với thu nhập 2,5–3 triệu đồng/người/tháng. Ông Bài tâm sự, điều quan trọng nhất ông tích lũy được sau gần 10 năm qua đó là “bắt bệnh” giỏi cho cho cá, ba ba, ếch. Nhờ vậy, ông không gặp thiệt hại đáng kể nào.