Sự thành thục sinh sản của cá
Đến giai đoạn thành thục, cá bố mẹ sẽ bắt đầu “kết đôi” với nhau để sản sinh ra cá con. Lúc này chúng đã có khả năng giải phóng giao tử (là trứng và tinh trùng). Giai đoạn thành thục khác nhau theo từng loài cá, tuổi của chúng và nhiệt độ môi trường. Cá chép 2-3 năm tuổi (chiều dài 15-20cm, 0.8-1.5kg) sẽ thành thục, trong khi cá trắm cỏ nuôi 3-4 năm (chiều dài 45-50cm, 3-5kg) mới có thể sử dụng làm cá bố mẹ.
Cá chép nuôi 2-3 mới bắt đầu thành thục. Ảnh: VLM
Khi bắt đầu sinh sản thì cũng là lúc tăng trưởng của cá chậm lại do năng lượng sẽ tập trung cho sự phát triển của trứng (con). Điều này giải thích vì sao khi nuôi thịt, người ta dùng mọi biện pháp để ngăn chặn hoặc làm chậm đi quá trình thành thục sinh sản của cá, như nuôi toàn cá đơn tính (cá Rô Phi toàn đực),... Cá đực thì thành thục sớm hơn cá cái. Trường hợp, cho cá đẻ quá sớm sẽ cho năng suất sinh sản rất thấp. Ở một số ít loài cá đặc biệt, đến giai đoạn sinh sản, sau khi đẻ trứng xong cũng là lúc vòng đời của chúng kết thúc, cá Hồi, cá Chình. Sẽ có nhiều lần sinh sản trong năm, nên cá sẽ đẻ ở những mùa thuận lợi cho sự sống và phát triển của thế hệ sau.
Hình thức sinh sản và các dạng trứng của cá
Đa số loài cá đẻ trứng nhưng vẫn có một số ít loài mang thai và đẻ con. Mỗi lần, cá sẽ đẻ một lượng trứng khổng lồ nhưng tỷ lệ nở lại khá thấp. Một số loài cá có tập tính làm tổ, ấp trứng trong xoang miệng hay có thêm những bộ phận chuyển hóa trên thân để mang phôi. Tiêu biểu là cá Rô Phi, chúng ấp trứng trong khoang miệng đến khi cá nở, và việc ấp trứng này không chỉ dành riêng cho cá cái.
Bên trong trứng cá. Ảnh: Bhmpics
Cá Heo, cá Kìm, cá Mập, cá Chìa Vôi thì sinh con. Bên cạnh đó, một số loài cá khác vẫn có thể đẻ con nhưng không có mối liên hệ giữa phôi thai và cơ thể mẹ. Hoặc một số ít sinh sản bằng hình thức noãn thai sinh (đẻ thai trứng): Trứng được chứa trong bụng cá mẹ sau khi thụ tinh, phôi phát triển và tự thoát ra vỏ trứng, khi được sinh ra sẽ là dạng cá bột.
Trứng ở cá có 3 dạng: Trứng nổi ở những loài cá biển có trữ mỡ trong trứng như cá Trích, cá Mòi…; Trứng bán nổi: ở cá Mè, cá Trắm Cỏ lơ lửng trong các tầng nước và Trứng chìm hoặc bám vào thực vật dưới đáy, cá Chép (ngọt), cá Chuồn (biển)...
Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của cá
Ánh sáng: Cá sống ở các khu vực nước trong, nhiều ánh sáng thì đẻ nhanh và dày hơn cá sống ở nước đục, khu vực tối. Cá Thái Dương đặc biệt chỉ đẻ vào những ngày nắng chói, nếu bất chợt có một đám mây hơi âm u thì lập tức chúng sẽ lặn ngay mà “không thèm” đẻ nữa.
Nhiệt độ: Tùy vào tập tính của loài và môi trường sống của chúng. Cá Rô Phi sẽ ngưng đẻ ở nhiệt độ từ 18 đến 20oC.
Vị trí: Nhiều loài cá cũng rất “khó tính”, không phải địa điểm nào chúng cũng đẻ được. Bởi vậy, cá Hồi mới phải di cư từ biển vào sông, tìm “chốn bình yên” để đẻ. Một số loài cá khác sẽ di chuyển từ nước sâu đến nước cạn, nước tĩnh đến nước động, hay từ mặt nước xuống đáy để đẻ. Cá Chép Răng bắt buộc phải đẻ trong nước tĩnh, hoặc muốn cá Mè đẻ phải có một dòng nước mới chảy qua.
Cá Hồi về sông để đẻ. Ảnh: NC
Quần thể: Việc sinh đẻ có thể thực hiện theo đàn ở cá Thu, cá Ngừ , cá Trích…
Tiếng gọi “bạn tình”: Khi việc sinh sản đúng thời điểm, hiệu quả sinh sản sẽ cao hơn, cá đực đến giai đoạn thành thục thường có những tiếng gọi “bạn tình” để thu hút cá cái. Hơn thể nữa, cá cũng sẽ có những “động tác ve vãn” “bạn tình” làm cho nhịp độ mạnh, năng suất sinh sản tốt hơn.
Cá cũng có những hành động âu yếm nhau. Ảnh: Fishkeepingworld.com
Thức ăn: Tuy việc “ăn uống” lúc này đối với cá không quá quan trọng, nhưng nếu đói và thiếu dưỡng chất thì cá sẽ không thành thục sinh dục được.
Oxy: Đương nhiên khi sinh sản cá vẫn cần oxy để sống và hoàn thành quá trình thành thục sinh sản.
Dòng chảy: Dòng chảy nhanh hay chậm sẽ tác động nhiều đến tỷ lệ sinh sản thành công. Cá Hồi ở lưu tốc 0.9m/s có 60-90% cá thành thục, ở lưu tốc 0.4m/s sẽ chỉ còn 10-17% cá thành thục. Ngoài ra, một số loài như cá Linh, khi nước lũ về thì mới đẻ.