Trên thực tế việc xử lý vụ việc này lại khá đơn giản và có phần "chìm xuồng" . Đó là toàn bộ những cán bộ trực tiếp vi phạm chỉ bị xử lý nội bộ, về cơ bản đã cho thôi việc. Khi đưa ra thắc mắc, hơn 800 sản phẩm bị làm giả hồ sơ được xử lý như thế nào, vị đại diện này từ chối trả lời mà chỉ cho biết, các sản phẩm đều đã được xử lý, song cụ thể ra sao yêu cầu phóng viên Báo Hải quan làm việc trực tiếp với Văn phòng Tổng cục Thủy sản.
Đem những thắc mắc về vụ việc này gửi tới cho ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, đến thời điểm hiện tại phóng viên vẫn chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào.
Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép cho lưu hành.
Tuy nhiên, theo kết quả thanh, kiểm tra của Tổng cục Thủy sản, việc hợp quy các sản phẩm cũng có thể bán-mua dễ dàng, chỉ với mức 5 triệu đồng/sản phẩm để chi cho một số cán bộ và Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
Tổng cục Thủy sản cũng chỉ ra, chỉ với 3 bản phụ lục văn bản được ký khống (ghép vào văn bản gốc), trong hơn 2 năm (2013 và 2014), Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản đã hợp quy hơn 800 sản phẩm cho lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.
Ngay từ giữa năm 2015, Tổng cục Thủy sản đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận cho thấy: Từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý (lúc đó là Giám đốc Trung tâm) đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là còn Phó trưởng Phòng Hành chính, Tổng cục Thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.
Các đối tượng trên đã làm “khống” danh mục sản phẩm vào phụ lục của 3 văn bản của Tổng Cục Thủy sản (văn bản số 758/TCTS-TTKN, 1526/TCTS-VP, 1789/TCTS-VP), trong đó cấp phép cho lưu hành 140 sản phẩm là thức ăn chăn nuôi và 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản vào lưu hành trái quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo đoàn xác minh, công văn 758/TCTS-TTKN ngày 1-4-2013 thông báo về các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu bổ sung vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam có tới 2 văn bản cùng số, cùng ngày cùng trích yếu văn bản như nhau nhưng phần phụ lục lại khác nhau.
Bản gốc của văn bản này được lưu tại Văn phòng Tổng cục Thủy sản với phụ lục kèm theo chỉ có 30 sản phẩm. Trong khi đó, bản chính được phát hành có 194 sản phẩm. Một số cá nhân đã ghép thêm vào phụ lục 164 sản phẩm và ban hành vào tháng 12-2014.
Tổng cục Thuỷ sản chỉ ra rằng, để ghép phụ lục công văn này có sự tham gia của ông Nguyễn Huy Bàn, ông Bùi Đức Quý, ông Lê Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Hà. Ngoài công văn trên, 4 cá nhân này còn tiếp tục làm giả phần phụ lục tại 2 công văn khác về thông báo thức ăn thuỷ sản và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu.
Công văn 1526/TCTS-TTKN ngày 16-6-2013 cũng có 2 văn bản cùng một số công văn, cùng 1 ngày phát hành. Tuy nhiên, phần phụ lục của hai công văn này lại khác nhau. Bản gốc của công văn lưu tại Tổng cục Thủy sản có phụ lục kèm theo 42 sản phẩm. Trong khi đó, bản chính được phát hành lại có 172 sản phẩm. Như vậy, đã có 130 sản phẩm được ghép thêm. Thời điểm ghép vào tháng 6-2014.
Còn tại văn bản 1789/TCTS- VP ngày 10-7-2013, cũng có 2 văn bản cùng số, cùng ngày trích yếu. Tuy nhiên, phần phụ lục của văn bản gốc có 19 sản phẩm. Trong khi đó, bản chính lưu hành có 190 sản phẩm. Các đối tượng đã ghép thêm 171 sản phẩm vào phụ lục từ tháng 6-2014.
Đoàn kiểm tra cũng xác định, có 2 công văn được xây dựng và ban hành trái quy định của pháp luật là công văn 1382/TCTS-VP ban hành ngày 30-5-2015 và công văn 663/TCTS-TTKN ban hành ngày 22-3-2015.
Đặc biệt, tại công văn công văn 1382/TCTS-VP ban hành ngày 3-5-2015, số công văn và ngày tháng đã bị phủ bút xóa và lăn số đè lên. Mặc dù thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã tạm dừng xem xét việc đăng ký lưu hành sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, song công văn này đã tự ý cho phép 186 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản đưa vào lưu hành trái quy định của pháp luật.
Xử lý các sai phạm trên, các cá nhân bị tố cáo và các cá nhân được phát hiện trong quá trình xác minh tố cáo được yêu cầu thực hiện tự kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tại đơn vị công tác và trước hội đồng kỷ luật công chức, viên chức của Tổng cục Thuỷ sản. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu thu hồi 5 văn bản trái pháp luật trên và tham mưu ban hành quyết định thu hồi số tiền thu lợi bất hợp pháp trong quá trình giải quyết tố cáo.
Trong vụ việc này, dễ thấy các cá nhân liên quan có dấu hiệu làm giả hồ sơ, công văn của cơ quan chức năng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, song chỉ bị xử lý nội bộ, buộc thôi việc. Điều này đặt ra nghi vấn, phải chăng Bộ NN&PTNT đang có tình trạng “giơ cao đánh khẽ”.
Sự việc đã diễn ra cách đây khá lâu và được khẳng định được giải quyết dứt diểm ngay từ giữa năm 2015, tuy nhiên mới đây khi được báo chí “khui” ra, dư luận mới được biết đến. Một câu hỏi nữa lại được đặt ra, đó là liệu rằng Bộ NN&PNTT đã “ỉm” đi vụ việc, xử lý "nhẹ nhàng" hành vi vi pham khá nghiêm trọng này?
Ngay từ giữa năm 2015, Tổng cục Thủy sản đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận cho thấy: Từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý (lúc đó là Giám đốc Trung tâm) đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là còn Phó trưởng Phòng Hành chính, Tổng Cục Thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.