Tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) là vùng bãi ngang ven biển, người dân sinh sống trên các vùng cát trắng nên kinh tế nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Với địa thế gần biển, từ bao đời nay, người dân địa phương này gắn bó với những con thuyền có công suất nhỏ để thực hiện việc đánh bắt hải sản vùng lộng, gần bờ. Thế nhưng, khi lượng hải sản ngày càng khan hiếm khiến, giá cả xăng dầu tăng cao, thu nhập của người dân theo đó cũng dần đi xuống và không còn được ổn định.
Nhiều người dân trên địa bàn đã tìm hướng đi mới bằng việc nuôi trồng thủy sản. Trải qua thời gian thử nghiệm, học hỏi từ những địa phương khác, nhiều người đã lựa chọn nuôi cá lóc làm kế sinh nhai.
Việc nuôi cá lóc trên vùng đất cát tại xã Ngư Thủy Bắc cũng có nhiều điểm thuận lợi khi chi phí đào ao, hồ rẻ, nguồn nước dồi dào. Cá lóc là loài ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn cá đánh bắt được sau mỗi chuyến đi biển.
Theo người dân, sau một thời gian nuôi cá lóc, nhận thấy việc nuôi cá lóc không quá khó, bên cạnh đó lợi nhuận lại cao hơn so với việc chăn nuôi các loại cá hay gia súc khác nên nhiều người quyết định đào ao lớn để nuôi, xem đây như nghề chính của gia đình.
Từ đó, mô hình nuôi cá lóc trên cát của người dân nơi đây cũng dần nở rộ, đến nay đã có gần 200 hộ gia đình nuôi cá lóc. Trong đó có nhiều hộ đầu tư, mở rộng nuôi cá lóc trong 5 - 6 hồ với tổng diện tích lên đến hơn ngàn m2.
Theo người dân, nuôi cá lóc trên cát có 2 kiểu, đào ao trên nền cát và lót bạt. Mỗi vụ cá lóc sẽ kéo dài khoảng 4 - 5 tháng.
Ông Trần Kim Phi (SN 1976, thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc) cho biết, hiện nay trang trại nuôi cá lóc của ông đã rộng hơn 1ha, xuất cá bán quanh năm, đồng thời qua nhiều năm nuôi cá, đến nay ông đã tự chủ được nguồn giống, cung cấp cho nhiều hộ dân khác trong vùng.
“Nuôi cá lóc trên cát quan trọng nhất là thời điểm mới thả giống, khoảng 3 tháng đầu phải thường xuyên kiểm tra bởi giai đoạn này cá dễ bị bệnh, sau đó thì có thể yên tâm hơn”, ông Phi chia sẻ.
Cũng theo ông Phi, chi phí ban đầu để nuôi mỗi hồ cá khoảng 20 - 30 triệu đồng, sau khi cá lớn, giá cá lóc dao động khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi tấn cá cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.
Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc - cho biết, việc đào ao nuôi cá lóc đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng còn nhỏ lẻ, diện tích cũng không đáng kể, chủ yếu theo lối tận dụng đất và thức ăn. Dần dần bà con thấy việc nuôi cá lóc không quá khó, lại mang tính bền vững nên đến nay mô hình nuôi cá lóc trên địa bàn xã ngày càng nở rộ.
Việc đào ao nuôi cá lóc cũng là thành công của xã trong việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân khi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân nhờ việc nuôi cá lóc mà thoát nghèo, trở nên khấm khá, giàu có.
Được biết, sản lượng mỗi năm của toàn xã Ngư Thủy Bắc đạt khoảng 2.500 tấn cá, mang về cho xã nguồn thu khoảng 250 tỉ đồng.