Kè ly tâm dự ứng lực thí điểm bắt đầu đem lại kết quả tốt, khi phía trong đã xuất hiện bãi bồi và cây đước, cây mắm bắt đầu sinh sôi - Ảnh: Đ.Triều
Tại những điểm sạt lở, cơ quan chủ quản ở Cà Mau đầu tư xây dựng hai hàng cọc bêtông ly tâm dự ứng lực hướng ra biển, cách bờ 50-100m. Cọc bêtông loại tròn như cột điện, dài 6m, đóng liền kề hai dãy, mỗi dãy có khoảng cách 1,5m. Khoảng trống giữa hai hàng bêtông sẽ bỏ đá vào để bảo vệ. Lúc sóng biển dội bờ lọt thấu qua hai hàng cọc bêtông nhưng bị giảm lực do gặp chướng ngại vật. Khi nước kéo ngược ra, lượng phù sa theo dòng nước đọng lại phía trong bờ, lâu ngày sẽ bồi lắng tạo thành bãi. Khi có bãi, cây mắm, cây đước có điều kiện sinh trưởng, phát triển, tạo thành thảm rừng ngập mặn ven biển bảo vệ đê.
Có mặt cùng đoàn làm công tác thủy lợi ở Cà Mau thị sát tình hình sạt lở, chúng tôi quan sát phía bên trong của đoạn kè thí điểm giờ đây đã có bãi bồi, cây đước, cây mắm bắt đầu đâm chồi, phát triển tốt.
“Sau hơn một năm hoàn thành, đoạn kè bêtông dự ứng lực đã phát huy hiệu quả bước đầu, chẳng những bảo vệ đê không bị sạt lở mà còn tạo được bãi bồi ven biển để cây rừng phát triển. Trước đó chưa loại kè nào làm được như vậy. Từ hiệu quả trên, tỉnh vừa rót 17 tỉ đồng để đơn vị làm tiếp 500m kè gần đó” - ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hài lòng cho biết.
Toàn tuyến đê biển Tây ở Cà Mau dài khoảng 98km, được xây dựng từ năm 1998. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh này, nước biển dâng cao kèm sóng to, gió lớn đe dọa nghiêm trọng tuyến đê trên, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Đặc biệt, đã xuất hiện năm điểm sạt lở nghiêm trọng, nhiều nhất là đoạn từ Hương Mai đến Rạch Dinh gần 3km - tuyến xung yếu bảo vệ trên 400ha đất sản xuất của Khánh Hội (huyện U Minh), nơi đây có 200 hộ dân nghèo sinh sống.
Vào năm 2007, ngành chức năng, chính quyền địa phương huy động trên 1.000 người hiệp sức chống lở tại một số điểm của đoạn đê nêu trên. Nhưng những cây cừ tràm nhỏ bé được cắm xuống chẳng lâu sau bị quật ngã trước các con sóng lớn, cuốn trôi ra biển. Ngay sau đó, người ta làm những rọ đá chắn sóng đặt gần bờ nhưng không cứu vãn được tình hình, cùng số phận như những cây cừ tràm.
Trước thực trạng tiền tỉ bỏ ra nhưng việc chống lở đê biển Tây chỉ mang tính cầm cự ngắn hạn khiến lãnh đạo tỉnh Cà Mau và giới chuyên môn thủy lợi tỉnh này thêm trăn trở.
Sau nhiều lần thực tế đúc kết kinh nghiệm và bàn bạc với những cán bộ tâm huyết làm công tác thủy lợi của Sở NN&PTNT, công trình nghiên cứu “kè ly tâm chắn sóng tạo bãi” ra đời và nhanh chóng được áp dụng thí điểm ở đoạn Hương Mai. Tuy mới thành công bước đầu nhưng đã tạo được niềm tin cho lãnh đạo tỉnh Cà Mau trong việc bảo vệ quan điểm giữ đê cũ, không làm mất đi đất đai và xáo trộn đời sống hộ dân trên tuyến đê biển.