Chúng tôi tìm về thị trấn Mái Dầm, Châu Thành (Hậu Giang), nơi Cty Lee & Man xây dựng nhà máy, từ xa đã nhìn thấy cột ống khói to, cao cả trăm mét đứng sừng sững như cây cột “đội trời” giữa vùng quê sông nước, bạt ngàn cây cối xanh tươi.
Nhà máy của Cty này xây dựng trên khu đất cặp ngã ba sông Hậu và sông Mái Dầm, nếu nước thải từ hoạt động sản xuất giấy không được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường thì chắc chắn những dòng sông này sẽ bị bức tử.
Ông Huỳnh Minh Thành, đã nhiều đời gắn bó với con sông Mái Dầm (ấp Phú Xuân, TT Mái Dầm), sống bằng nghề trồng vườn cây ăn trái và nuôi thủy sản nước ngọt. Nhưng vườn cây mấy năm nay bị dịch bệnh, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào những chiếc lồng bè nuôi cá điêu hồng trước sông.
Ông Thành tâm sự: “Tôi đầu tư bảy lồng bè nuôi cá điêu hồng vốn trên 300 triệu đồng, thả cá giống và thức ăn hết trên 1 tỷ đồng. Mỗi năm thả nuôi 2 lứa, thu hoạch được khoảng 150 tấn cá thương phẩm. Năm nay vụ đầu đã thu hoạch nhưng vụ sau tôi chỉ dám thả 2 lồng, còn lại bỏ trống.
Dù nhà máy giấy Lee & Man chưa đi vào hoạt động nhưng ông Thành đã phải treo bè, thu hẹp sản xuất do lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm.
Vì không biết khi nhà máy giấy đi vào hoạt động, nước sông sẽ bị ô nhiễm như thế nào, lỡ cá chết hết thì thiệt hại tiền tỷ, có mà sạt nghiệp luôn”.
Ông Thành lo lắng nếu không nuôi cá được nữa thì không biết chuyển nghề gì. Nhà máy mới đang trong quá trình xây dựng nhưng người dân đã lãnh đủ vì ô nhiễm tiếng ồn từ máy phát điện chạy suốt ngày đêm. “Giờ muốn bán đất chuyển đi nơi cũng không xong, vì ô nhiễm mình sống không nổi thì ai dám mua”, ông Thành buồn rầu nói.
Tương tự, hộ bà Phan Thị Thắm, ở cùng ấp Phú Xuân, cũng thấp thỏm lo âu vì không biết còn duy trì nghề nuôi cá lồng bè được bao lâu nữa.
Theo bà Thắm, dự án nhà máy giấy đã được triển khai xây dựng gần bè nuôi cá của tôi và các hộ lân cận nhưng nhiều năm chưa có một tổ chức, cá nhân nào đến tham vấn về vấn đề xả thải của nhà máy.
“Tôi đang nuôi 2 bè cá điêu hồng dưới sông Mái Dầm, với tổng đầu tư trên 500 triệu đồng. Tôi cảm thấy rất lo nếu nhà máy gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng nguồn nước vùng nuôi”, bà Thắm giãi bày.
Làng bè nuôi cá này cách UBND thị trấn khoảng 1km, còn cách nhà máy giấy Lee & Man bên kia sông chưa được 30m.
Nhà máy Giấy Lee & Man với cột ống khói to, cao cả trăm mét đứng sừng sững như cây cột “đội trời” giữa vùng quê sông nước, bạt ngàn cây cối xanh tươi.
Ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, cho biết: Người dân rất bất bình từ khi nhà máy giấy này bắt đầu xây dựng gây tiếng ồn cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó Cty còn xem thường cơ quan nhà nước ở địa phương, không chịu hợp tác bất cứ ai ở cấp huyện, hay thị trấn. Khi họ cần thì liên hệ với mình để giải quyết nhưng chính quyền muốn liên hệ ngược lại thì họ cửa đóng then cài…
Anh T. (xin giấu tên), một người dân ở thị trấn Mái Dầm từng đi làm công nhân xây dựng cho nhà máy giấy Lee & Man cho biết, hoạt động xây dựng của nhà máy có gì đó rất bất thường.
Các công trình như khu xử lý nước thải, ống khói, khu vực gần bờ sông đều do công nhân người Trung Quốc xây dựng, công nhân Việt Nam không được đến gần. Họ chỉ mướn mình làm các phần phụ như tường rào hay nhà làm việc… Ngay cả các vụ tai nạn lao động, kể cả tai nạn chết người cũng đều bị ém nhẹm, xử lý nội bộ.