Ông Phạm Anh Tuấn, cho biết, Tổng cục Thuỷ sản mới tiếp quản dự án từ năm 2010. “Đúng là dự án này chậm so với tiến độ, thậm chí phải trình Thủ tướng cho kéo dài, nhưng cho kéo dài đến hết năm nay”. Nguyên nhân, theo ông vì cả khu này là đồi cát, để lấy mặt bằng thi công thì phải chuyển cát ra. Bên cạnh đó là vì “nguồn vốn bố trí cũng rất khó khăn, tôi không nhớ chính xác nhưng số tiền có thể bố trí cho dự án thì không thể đủ như tổng thể dự án được phê duyệt”.
Ngoài ra, việc chậm tiến độ liên quan đến khâu thiết kế. Ví dụ như ao tại dự án, ban đầu tư vấn đưa ra phương án chống thấm bằng cách đào đến một độ sâu, sau đó đưa đất sét đến chống thấm, nhưng thực tế đào đâu ra đất sét, chúng tôi tư vấn là dùng phương án lót chất dẻo mật độ cao, “bây giờ dùng đất sét thì 5 năm nữa cũng không xong”.
- Thưa ông, thời gian dự án hoàn công, đi vào hoạt động là bao giờ?
- Sau hai lần gia hạn, một lần của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một lần do Chính phủ gia hạn thì quyết định cuối cùng kéo dài dự án là hết năm nay.
- Theo báo cáo của huyện Đất Đỏ, chủ đầu tư đã khai thác 1 triệu m3 cát, Tổng cục Thuỷ sản có biết việc này không, thưa ông?
- Tôi không nắm được việc này, tôi chỉ biết hồi xưa Bộ Thủy sản phê duyệt dự án với tinh thần cho khai thác cát để giải phóng mặt bằng thi công.
- Ông có nắm được mỗi m3 cát vận chuyển ra khỏi dự án có giá bao nhiêu?
- Cái này chủ đầu tư họ làm việc với các đơn vị, cái này tôi không quan tâm.
- Có thông tin cho rằng, giá mỗi m3 cát vận chuyển trong địa bàn tỉnh là 30.000 đồng, nếu tính 1 triệu m3 cát đã được vận chuyển ra khỏi dự án, chủ đầu tư đã thu về hàng chục tỷ đồng. Ông bình luận gì về việc này, thưa ông?
- Chúng tôi không biết việc này. Nhưng theo tôi nghĩ thì không phải như vậy, bởi phải tính lại khối lượng cát thực tế, và giá đó phải xem tại nơi đổ là ở đâu, ví dụ như chở đến chân công trình, chi phí xăng xe, hao mòn phương tiện…
- Có ý kiến cho rằng Viện nghiên cứu Thuỷ sản II đang “núp bóng” dự án để khai thác cát, thưa ông?
- Không, tôi không bênh gì các ông ấy đâu, nhưng theo tôi thì không phải như thế, mình không nên đánh giá người ta như vậy.
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng chỉ cần dưới 8 ha là có thể làm dự án về con giống hải sản quy mô rồi. Việc phê duyệt dự án này lên đến 30 ha có thể đặt ra nhiều ý kiến trái chiều?
- Nói thế thì vô bờ. Trại giống thì 1 ha nông dân cũng có thể làm, trại của tỉnh có khi 15 ha, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ thì có thể 100 ha.
- Khả năng hoàn thành dự án trong năm nay theo ông liệu có khả thi? Nếu hết năm 2013, dự án vẫn không thể kết thúc thì biện pháp xử lý sẽ được thực hiện như thế nào?
- Tôi nghĩ là khả thi thôi, vì vừa rồi giảm tối thiểu tất cả công trình, giảm quy mô của hạng mục. Nếu dự án không xong trong năm nay thì các ông ấy phải chịu trách nhiệm rồi!
- Xin cảm ơn ông!
“Dự án Trung tâm quốc gia giống hải sản Nam Bộ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, có thời gian thực hiện đầu tư từ 2008 - 2012, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2012, dự án đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao vốn để thực hiện là 30,2 tỷ đồng. Năm 2013, dự án đã được giao kế hoạch vốn là 14 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính Tổng cục Thuỷ sản.