Lao đao vì... cá ngừ đại dương

Chuyển nghề đánh bắt để tiếp tục ra biển hay neo tàu chờ "thời", hàng trăm ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương đang loay hoay, dò dẫm để chọn cho mình "lối đi" an toàn khi nghề đánh bắt cá ngừ đại dương đang tụt dốc.

cảng cá
Bến cảng phường 6, TP Tuy Hòa từng là nơi nhộn nhịp với những chuyến tàu từ biển xa bờ trở về đầy ắp những con cá ngừ đại dương nửa tạ, thì nay chỉ có những chuyến hàng cá chuồn và các loại cá nhỏ tuyến lộng.

Chuyển nghề

Đang giữa mùa đánh bắt, tại cảng cá Bạch Đằng của phường 6, TP Tuy Hòa, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương xếp hàng nằm phơi mình dưới cái nắng hơn 40 độ. Trên bờ cảng, không có cảnh những phụ nữ tất bật mang cáng ra bờ biển đón tàu câu cá ngừ đại dương trở về để xúm vào khiêng cá thuê như mọi năm.

Nghe tin một tàu cá sắp về cửa biển, chúng tôi nán lại chờ. Đúng 10 giờ, chiếc tàu PY96572 của anh Nguyễn Thanh Hiệp chậm chạp qua cửa Đà Diễn rồi vào cảng. Tàu cập bờ, sau khi cột dây neo vào cầu cảng, anh em ngư dân dọn lưới, phao để chuẩn bị chuyển cá lên bờ. Khoang hầm mở ra, có vài con cá nhám nhỏ và ba con cá ngừ đại dương cỡ hơn 30kg, còn lại là một hầm đầy toàn cá chuồn. Những giỏ cá được ngư dân chuyển lên bờ để cân cho các chủ nậu. Công việc lựa chọn, phân loại được nhóm thợ của chủ nậu làm nhanh, sau đó, cá được đưa vào thùng xe đông lạnh đang đậu trên bờ cảng.

Chủ tàu Nguyễn Thanh Hiệp giải thích, khi những chuyến đánh cá ngừ đại dương liên tục thua lỗ, cách đây 3 tháng, anh đã mua lại 2 bộ lưới chuồn, trị giá hơn 300 triệu đồng để làm cùng lúc với nghề cá ngừ đại dương. Anh Hiệp nhẩm chi tiết: "Một chuyến lưới chuồn, tàu đi 20 ngày, chi phí chừng 60 triệu. Thông thường, lượng cá đánh được từ 5 đến 8 tấn. Với giá từ 17 đến 20 ngàn đồng một ký cá, cộng thêm tiền bán các loại cá khác, trừ chi phí, khoản lãi còn gần 80 triệu. Tiền chia mỗi lao động là 4 triệu đồng, nhờ vậy, anh em yên tâm hơn. Cứ dần dà như thế, lúc cá ngừ đại dương có, mình quay trở lại với nghề".

Anh Hiệp tâm sự, nhận chuyển giao nghề từ người cha vợ, anh đã đi đánh bắt cá ngừ đại dương gần 20 năm. Hồi trước, các chuyến biển, tàu về đều no cá, đạt trên dưới 30 con. Thỉnh thoảng cũng có vài chuyến hòa hay lỗ tổn chút ít nhưng bù qua, sớt lại vẫn có tiền để chia cho người đi bạn.

Từ Tết đến nay, mỗi chuyến đi biển, tàu anh chỉ câu chừng 10 đến 15 con, có chuyến chỉ 7 con, giá cá ngừ rớt còn 120.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg so với mấy năm trước, trong khi chi phí chuyến biển tới 170 triệu. Nếu gặp may, tàu về đủ tổn, còn không, ăn chắc lỗ, có chuyến lỗ nặng đến 70 triệu đồng. Nhiều ngày đắn đo, anh đã vay tiền đầu tư giàn lưới chuyển qua đánh cá chuồn, hy vọng xoay chuyển được tình hình làm ăn. "Tàu về lỗ tổn, chủ tàu khó khăn đã đành, anh em bạn ra biển cả tháng trời, vợ con ở nhà chờ đợi mà về không có tiền, lấy gì lo cơm cháo gia đình. Mình làm ngơ sao được" - Anh Hiệp thổ lộ.

Cũng như anh Hiệp, hiện, một số chủ tàu ở phường 6 đã đầu tư làm thêm giàn lưới chuồn để đổi nghề và đánh bắt đa nghề. Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa lý giải: Ví dụ, chuyến biển ý định chủ yếu là đi lưới chuồn, song có sẵn các loại nghề trên tàu, hễ thấy cá chuồn thì thả lưới, gặp cá ngừ đại dương, cá nhám là bổ giàn câu, rồi có khi câu mực. Tuy không bằng nghề cá ngừ đại dương lúc biển "no", nhưng gom các thứ cá lại cũng có tiền chia cho anh em đỡ ngặt.

Ngư dân Nguyễn Phương, người đi bạn trên tàu cá anh Hiệp cho biết, lúc nghề cá ngừ đại dương "đói", lênh đênh theo tàu trên biển cả tháng trời nhưng về nhà không có tiền, thấy vợ con thiếu thốn, anh cũng suy tính đến chuyện đi hái cà phê hay làm phụ hồ, kiếm chắc 170 đến 200 ngàn mỗi ngày. Tàu chuyển qua làm lưới chuồn, tuy có ăn hơn, nhưng anh vẫn đang lo cũng khó tránh khỏi bấp bênh. Song, "làm ăn với chủ tàu lâu năm đã thân quen, quý mến và vì thích biển khơi thoáng đãng nên không muốn bỏ biển lên bờ" - Anh Phương nói.

Theo chủ tàu Nguyễn Thanh Hiệp, việc chuyển nghề hay đánh bắt đa nghề là cách mà ngư dân tự xoay xở để duy trì ra biển. "Cả đời sống ở biển, ngư dân chúng tôi không bám biển làm ăn thì cũng không tự tin làm nghề khác. Dù khó đến đâu cũng phải tiếp tục đi biển để giữ nghề. Chủ tàu nào cũng phải tìm cách giữ chân người lao động. Nếu cho tàu nghỉ biển, anh em bỏ đi nơi khác làm ăn, khi muốn đi biển trở lại, mình không thể gọi được lao động" - Anh Hiệp nói.

Nhọc nhằn khát vọng biển khơi

Nghe chúng tôi hỏi chuyện nghề, ông Phan Thuẫn không giấu được niềm tự hào, từ trong khó nghèo, nhờ con cá ngừ đại dương, người dân TP Tuy Hòa đã đổi đời. Cá ngừ đại dương đã vực làng biển này, từ nhà tranh mái lá, từ đói nghèo mà vươn dậy, thay da đổi thịt với nhà tầng khang trang, xe cộ, máy móc đủ loại. Về phương tiện làm nghề, từ chỗ, phần lớn xuồng mê, ghe máy F, máy D, chỉ chạy loanh quanh ven bờ vài hải lý, hơn 20 năm vươn theo con cá ngừ đại dương, bà con đã đầu tư sắm hàng trăm tàu to, máy lớn. Hồi đầu câu cá ngừ, phương tiện lớn nhất chỉ 45 hay 60 mã lực với con số chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Giờ đây đã có gần 700 tàu, công suất máy từ 250 đến 500 mã lực. Tàu cá của ngư dân TP Tuy Hòa đã vươn ra tới vùng biển xa, vùng đánh bắt chung, cách bờ từ 400 đến 500 hải lý.

Vậy mà lúc này, để tránh "lún" vào nợ nần do đánh bắt cá ngừ đại dương thua lỗ, một số bà con đã cho neo tàu, còn phần lớn phải chuyển nghề. Tàu đánh lưới cá chuồn chỉ loanh quanh ở vùng lộng, ngư trường đánh bắt chừng 100 đến 200 hải lý. "Thiếu vắng ngư dân mình trên vùng biển xa bờ sẽ khó bảo vệ ngư trường, giữ nơi chỗ làm ăn cho con cháu sau này. Càng nóng lòng hơn khi Trung Quốc đang vô cớ ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông" - Ông Phan Thuẫn bày tỏ lo lắng.

Ông Thuẫn cũng cho hay, khi nghề khai thác cá ngừ tụt dốc, hàng chục dịch vụ trên bờ của bà con làng biển ở TP Tuy Hòa cũng bị "đổ" theo. Thời điểm đánh bắt cá ngừ đại dương, mỗi ngày, bến cảng này có hàng trăm người lao động kiếm cơm từ công việc khiêng cá, xay đá, vận chuyển nước, bán dầu và hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các tàu đi biển. Nghề đánh lưới cá chuồn không cần nhiều công lao động nên rất đông người không có việc làm. Không có thu nhập, bà con làng biển chỉ biết vay mượn để tìm cái ăn qua ngày.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, trong khoảng 650 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân trong tỉnh, hiện đã có hơn 400 tàu chuyển sang hành nghề lưới chuồn hoặc vừa làm lưới chuồn, vừa câu cá ngừ đại dương. Phương thức khai thác đa dạng các loài thủy sản của ngư dân hiện nay nằm trong định hướng phát triển khai thác của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy vậy, thực tế cho thấy, cung cách chuyển nghề hay làm nhiều nghề hiện nay chưa hoàn toàn là lối ra khả quan cho ngư dân.

Chủ tàu Lê Văn Quá cho biết, đầu mùa biển 2015, ông sắm giàn lưới chuồn mới toanh với số tiền hơn 200 triệu. Tàu đi mới 3 chuyến biển, mỗi chuyến chia cho bạn từ 3 đến 4 triệu. Chuyến biển vừa rồi, tiền bán cá chỉ đủ tổn, ông phải ráng nhín tiền nhà, đưa cho bạn mỗi người 1 triệu đồng. Nhắm ra biển tiếp lúc này sẽ không ổn, vợ chồng ông quyết định neo tàu, đưa giàn lưới chuồn lên bờ để vá lại và chờ đến khi biển có cá, dù biết rồi sẽ khó tìm được bạn cho chuyến biển sau. "Giờ phải mướn 10 công vá lưới, mỗi công giá rẻ cũng 100 ngàn một ngày. Phải mất cả tháng mới vá xong tấm lưới, như vậy tốn hết 30 triệu nữa. Tính từ lúc đầu tư giàn lưới chuồn, đi mấy chuyến biển mà chưa lấy được đồng vốn nào" - Vợ ông Quá than thở.

Từng được đề cử danh hiệu "vua" ở làng cá ngừ đại dương, lúc này, lão ngư Trần Kim Hoa cũng không giấu được nỗi buồn khi nói chuyện làm ăn. Ông bảo, con tàu là cả sản nghiệp của ngư dân, bao nhiêu tiền của, tâm huyết đã dồn hết cho nó. Ghe tàu, máy móc hễ có nổ máy ra biển mới giữ bền, còn nằm bờ lâu, máy móc rỉ sét, thân tàu phơi nắng sẽ nhanh hỏng hóc. Mấy tháng nay, nhìn những con tàu tiền tỷ phải nằm phơi mình dưới nắng, bụng dạ nóng như thiêu đốt. Ông Hoa trải lòng, bà con ngư dân cả cuộc đời đã sống, gắn bó với biển, mùi vị biển cả thấm vào máu thịt. Hơn ai hết, chúng tôi biết được giá trị của biển, có khó khăn thế nào rồi cũng vượt qua để giữ nghề, giữ biển làm ăn chứ không rời bỏ. "Mong sao bên cạnh các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ hiện nay, các ngành chức năng sớm có các giải pháp thực sự thiết thực, hiệu quả, giúp ngư dân thoát khỏi tình trạng bấp bênh trên con đường làm ăn để tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm bám biển" - Lão ngư Trần Kim Hoa bộc bạch.

Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 Phan Thuẫn, tuy có 90% ngư dân chuyển sang đánh lưới cá chuồn và làm đa nghê, song hiện nay cũng chỉ có 20% số phương tiện làm ăn hiệu quả. Thời gian tới, khó tránh được nguy cơ nhiều người tạm cho tàu neo bờ để nghỉ biển.

Báo Biên Phòng, 05/06/2015
Đăng ngày 09/06/2015
Phương Oanh
Đánh bắt

Ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống

Thời gian qua, sản lượng nuôi tôm hùm ở Việt Nam được duy trì ổn định đạt trên 3.200 tấn/ năm với hơn 180.000 lồng nuôi. Hai đối tượng nuôi chính là nuôi tôm hùm xanh (Panulirus hormarus) và tôm hùm bông (Panulirus ornatus).

Tôm hùm giống
• 14:49 26/09/2024

Kiên quyết xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" tại Việt Nam

Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn là một chủ đề quan trọng đối với Việt Nam - quốc gia có đường bờ biển dài và nguồn tài nguyên biển phong phú.

Tàu cá
• 10:11 23/09/2024

Bình Định: Sản lượng thủy sản tháng 8 năm 2024 tăng 614 tấn (tăng 2,2%) so cùng kỳ năm 2023

Theo Cục Thống kê Bình Định, tổng sản lượng thủy sản tháng 8 năm 2024 ước đạt 28.738,6 tấn, tăng 2,2% (tăng 614 tấn) so với cùng kỳ. Tính tổng cộng 8 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 201.433,1 tấn, tăng 2,7% (tăng 5.366,8 tấn) so với cùng kỳ.

Tàu thuyền
• 10:36 09/09/2024

Bình Định tăng cường các biện pháp chống khai thác IUU

Mặc dù tỉnh Bình Định đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), nhưng sau 7 năm, tình trạng ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa chấm dứt.

Tàu thuyền
• 10:46 06/09/2024

Tại sao người Nhật ăn cá sống mỗi ngày mà không sợ bị nhiễm ký sinh trùng?

Văn hóa ăn cá sống ở Nhật Bản không chỉ là một nét đặc trưng độc đáo mà còn nổi tiếng trên toàn thế giới qua các món ăn như sushi và sashimi. Điều thú vị là mặc dù ăn cá sống, người Nhật ít lo lắng về nguy cơ nhiễm ký sinh trùng hay các mầm bệnh từ thực phẩm sống.

sashimi
• 16:30 30/09/2024

Vi khuẩn phát sáng Vibrio harveyi

Vibrio harveyi là một loại vi khuẩn phát sáng thuộc họ Vibrionaceae, được tìm thấy phổ biến trong môi trường nước biển.

Vi khuẩn
• 16:30 30/09/2024

Sau mưa bão khí độc trong ao thường tăng cao

Sau những cơn mưa bão, một hiện tượng phổ biến trong ao nuôi thủy sản là nồng độ các loại khí độc tăng cao, đặc biệt là khí NH3 (ammonia), H2S (hydro sulfide), và CO2 (carbon dioxide). Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các loài thủy sản nuôi như cá và tôm, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

tôm thẻ
• 16:30 30/09/2024

Vai trò của rong và cá nuôi ghép với nuôi tôm theo hình thức sạch nước

Nuôi tôm theo hình thức sạch nước là một phương pháp thân thiện với môi trường và bền vững. Trong mô hình này, việc kết hợp với rong (tảo) và cá nuôi ghép đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và cải thiện chất lượng nước ao nuôi. Cả rong và cá đều có những chức năng cụ thể giúp tối ưu hóa quá trình nuôi tôm.

Cá rô phi
• 16:30 30/09/2024

Khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản là một ngành kinh tế quan trọng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Ao tôm
• 16:30 30/09/2024
Some text some message..