Khi PV tìm đến mô hình của ông Trần Văn Thân đúng lúc ông đang nghiên cứu tài liệu nuôi tôm trong một lán nhỏ của mình. Qua tiếp xúc, gặp gỡ chuyện trò với ông, chúng tôi được biết: Ông là một cựu chiến binh tham gia chiến trường, trở về với thương tật bệnh binh loại 2, được dân tín nhiệm bầu làm cán bộ thôn trong 10 năm. Trong thời gian này, ông thấy ở xã cũng có nhiều hộ nuôi tôm tuy nhiên vì chủ yếu nuôi dưới hình thức quảng canh nên không cho hiệu quả cao. Với mong muốn thay đổi điều kiện kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo ngay tại quê hương mình; bằng ý chí và quyết tâm vượt khó, ông bắt đầu đào ao, khai thác đầm nuôi tôm.
Thời gian đầu bắt tay vào nghề nuôi tôm, ông gặp muôn vàn khó khăn, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, địa hình đồng trũng, quanh năm nhiễm mặn, nhiễm phèn. Thêm vào đó dịch bệnh xảy ra liên tục, không có nguồn nước biển trực tiếp để thay thường xuyên, nguồn thức ăn kém chất lượng nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất tôm.
Đúng vào thời điểm này, ông được cán bộ xã, hội nông dân các cấp truyền đạt nhiều bài học kinh nghiệm trong việc nuôi tôm ở vùng chiêm trũng. Từ đó, ông thường xuyên nghiên cứu các tài liệu để nắm bắt kỹ thuật nuôi tôm, đồng thời ông lặn lội vào trong tận miền Nam để học tập kinh nghiệm từ những mô hình khác và tìm hiểu về các loại tôm giống.
Ông Trần Văn Thân đang nghiên cứu tài liệu nuôi tôm trong lán nhỏ.
Sau thời gian mày mò tìm hiểu và đi thực tế, ông bắt đầu đầu tư, thuê đất để mở rộng diện tích nuôi tôm. Trong tổng số diện tích đồng tôm trên 7 ha, ông quy hoạch hơn 1,5 ha nuôi thâm canh công nghệ cao, số còn lại nuôi quảng canh. Nhờ có kỹ thuật chăn nuôi và những con giống tốt, đồng tôm của ông ngày càng cho năng suất, thu nhập cao. Ông Thân cho biết: “Với diện tích ấy, mỗi năm tôi cũng thu được trên 1 tỷ đồng, trừ hết chi phí, lãi khoảng 700 triệu đồng”.
Ông chuẩn bị cho tôm ăn đúng giờ.
Khi được hỏi về bí quyết nuôi tôm thành công, ông Thân nói ngay: “Để nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao thì phải chọn con giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, chuẩn bị thật tốt các khâu như cải tạo ao đầm, chọn giống thả nuôi đúng thời vụ và phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, cải tạo ao đầm là khâu kỹ thuật quan trọng nhằm hạn chế được mầm bệnh tồn lưu trong ao, nhất là ao nuôi nhiều vụ trong năm”.
“Tôi năm nay đã 62 tuổi, hàng ngày phải quay 10 cái máy nổ công suất 15 CV tạo nguồn điện nuôi tôm thật không đủ sức nên rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện kéo đường điện để phục vụ sản xuất cho gia đình và các hộ lân cận, giảm bớt chi phí đầu vào và sức lực cho tôi” – ông Thân đề xuất.
Với uy tín và kinh nghiệm của mình, ông được bầu vào đại biểu hội đồng nhân dân xã nhiều khóa liền và được người nuôi tôm tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ nuôi tôm cộng đồng. Ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn truyền những kinh nghiệm quý giá và nhiệt tình hướng dẫn nông dân cùng tham gia làm kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Tiến Anh - Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (Nghi Xuân) cho biết: “Mô hình nuôi tôm của ông Trần Văn Thân đã đem lại thu nhập cao cho kinh tế hộ gia đình, là một tiêu chí để đánh giá mô hình kinh tế của xã và đã góp phần nâng cao tổng doanh thu của xã nhà. Mô hình của ông được mọi người trong xã đến tham quan, học tập và áp dụng”.
Với kết quả nổi bật trong quá trình phát triển sản xuất, ông Trần Văn Thân nhiều lần được các ban, ngành của xã, huyện tuyên dương nông dân điển hình, sản xuất kinh doanh giỏi. Câu chuyện vượt khó của ông Trần Văn Thân xứng đáng là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu.