Cơ sở nuôi cá tầm của HTX Phát triển nông nghiệp và thủy sản Đông Bắc nằm dựa vào núi, rộng khoảng 3 hécta, được thiết kế xây dựng theo kiểu ruộng bậc thang với nhiều ao lớn nhỏ khác nhau, trong đó trên cùng là đập chứa nước, đến các ao lọc nước, ao nuôi…. Trên mỗi ao có bạt che phủ 2/3 diện tích ao để tạo bóng râm, ngoài ra còn có hệ thống lọc rác thải và hệ thống xả nước.
Anh Dương Ngọc Khoa, Chánh văn phòng huyện ủy, giới thiệu: Cùng với giống cá hồi, giống cá tầm được nhập về “định cư” ở vùng đất này gần 3 năm nay, giờ là “đặc sản” của bản Khe Tiền.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Văn Vũ, cán bộ quản lý cơ sở nuôi cá tầm của HTX cho biết: Qua tìm hiểu, nghiên cứu chúng tôi thấy Khe Tiền rất phù hợp với yêu cầu nuôi cá tầm là có môi trường nước lạnh rất dồi dào, dòng nước chảy mạnh và sạch, oxy hòa tan cao, nhiệt độ nguồn nước vào mùa hè cao nhất khoảng 25 độ C rất thích hợp để nuôi cá tầm một loại cá xứ lạnh.
Từ cuối năm 2015, HTX Phát triển nông nghiệp và thuỷ sản Đông Bắc đã tiến hành đầu tư hệ thống ao nuôi khoảng trên 1 tỷ đồng. Ban đầu, HTX nuôi thử nghiệm lứa đầu với 300 con cá tầm Sibri. Sau đó, tiếp tục nhập hơn 1 vạn con cá tầm với giá khoảng 8.000 đồng/con. Sau hơn 7 tháng nuôi, những con cá tầm đã tăng trưởng và phát triển mạnh, lứa cá đầu tăng trưởng bình quân 2,5-3kg/con/tháng và đặc biệt là tỷ lệ sống đạt trên 90%. Giá cá tầm thương phẩm tại ao nuôi là 200.000 đồng/kg. Với điều kiện khí hậu phù hợp như vậy giúp cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, sau thời gian nuôi thử nghiệm cá tầm ở đây đạt trọng lượng cao hơn so với các vùng khác.
Cũng theo anh Vũ, nuôi cá tầm không hề khó, tuy nhiên khi mới bắt tay vào nuôi thì cần chú ý kỹ khâu chăm sóc vì đây là các giống cá đòi hỏi kỹ thuật, không thể áp dụng những phương thức và kinh nghiệm như nuôi các loài cá nước ngọt thông thường khác. Thức ăn cho cá tầm là loại cám đặc biệt sản xuất trong nước với công nghệ của Nga, cho ăn 3 bữa/ngày. Điểm đặc biệt của giống cá này là chỉ chịu sống ở vùng nước sạch, không được lẫn nước giếng, nước phải chảy tự nhiên, nhiệt độ thích hợp là 19-27 độ.
Giống cá tầm chỉ sống trong môi trường nước sạch tự nhiên, phù hợp với nguồn nước khe suối ở Khe Tiền. (Ảnh: Nguyễn Quý).
Để giống cá tầm được nhân rộng trên bản Dao, phải kể đến sự ủng hộ nhiệt tình của bà con trong bản. Một trong số đó là anh Dường Cắm Hếnh, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn. Với cương vị là Phó bản và là người có uy tín trong bản, anh Hếnh đã góp công sức hỗ trợ Hợp tác xã qua việc cho thuê diện tích ruộng, hỗ trợ việc quảng bá, vận chuyển, bán cá…
Nhận thấy giá trị kinh tế mà cá tầm mang lại, một sô hộ gia đình trên địa bàn xã Đồng Văn đã đến học tập kinh nghiệm và có ý định bắt tay vào đầu tư nuôi cá Tầm. Trong số đó có gia đình anh Chíu Vằn Minh, thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn. Anh Minh cho biết: Qua tham quan mô hình nuôi cá nước lạnh ở Khe Tiền, anh đã áp dụng nuôi thử để phát triển kinh tế. Ban đầu anh nuôi khoảng 2.000 con với 4 bể nhỏ khoảng 50 đến 60m2.
Được biết, thời gian gần đây, huyện miền núi Bình Liêu thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng, nên sản phẩm cá tầm nuôi tại bản Khe Tiền ngày càng trở nên “đắt khách”. Do đã trở thành thương hiệu trên thị trường, nên cá tầm là món ăn không thể thiếu với nhiều khách du lịch mỗi khi đến Bình Liêu.
Có thể nói, nghề nuôi cá nước lạnh đang mở ra hướng phát triển mới cho huyện Bình Liêu. Không chỉ mở ra triển vọng mới về nghề nuôi trồng thuỷ sản chất lượng cao, mà còn giúp huyện thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch. Đến thăm huyện Bình Liêu, được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tận mặt thăm những ao nuôi cá tầm trên núi ở bản Dao và ăn món cá tầm sẽ cho bạn nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị về vùng đất, con người nơi đây.