Theo dự kiến, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo hãng tin Reuters, EC đã đưa ra đề xuất trên hôm 26/11.
Bên cạnh đó, EC cũng cảnh báo Hàn Quốc và Ghana rằng hai quốc gia này sẽ phải đối mặt với các lệnh cấm tương tự nếu họ không tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề trên.
“Quyết định này cho thấy cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc giải quyết nạn đánh bắt cá trái phép,” Ủy viên EU phụ trách về nghề cá Maria Damanaki nhấn mạnh.
Bà Maria Damanaki nói: “EU sẽ tiếp tục tạo áp lực lên các quốc gia đang tạo điều kiện cho chuỗi cung cấp cá đánh bắt trái phép.”
EU là thị trường nhập khẩu cá tươi, cá đông lạnh và hải sản lớn nhất thế giới thế giới. EU đã bị chỉ trích vì chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng cá được đánh bắt một cách bất hợp pháp tại các khu vực khác trên thế giới xâm nhập thị trường này.
Hồi đầu năm nay, Chính phủ các nước EU đã cấm nhập khẩu cá trích và cá thu từ quần đảo Faroe, với lý do vùng lãnh thổ tự quản của Đan Mạch này đã áp đặt hạn ngạch đánh bắt cá không bền vững tại các vùng biển mà họ đang sử dụng chung với EU, Na Uy, Nga và Iceland.
Theo hãng tin Reuters, nếu các bộ trưởng ngư nghiệp của 28 nước thành viên EU thông qua đề xuất cấm nhập khẩu cá từ châu Á và châu Phi trong những tháng tới, tàu thuyền của EU cũng sẽ bị cấm đánh bắt cá tại vùng biển của các quốc gia phải hứng chịu lệnh cấm này.
EC cho biết hàng năm trên thế giới có tới 26 triệu tấn cá đánh bắt trái phép, với tổng trị giá 10 tỷ euro (13,5 tỷ USD).
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU đã nhập khẩu hơn 50 triệu tấn thủy sản có tổng trị giá 18,5 tỷ euro trong năm 2011./.