Một con cá mái chèo, thuộc loài cá xương lớn nhất thế giới, cuối cùng cũng đã bị bắt gặp trong lúc vẫy vùng tại nơi cư trú tự nhiên của nó.
Các nhà sinh vật biển thuộc Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã chụp được loài cá bí ẩn trên nhờ vào sự hợp tác với công ty khai thác dầu khí ở Vịnh Mexico, theo trang Digital Journal.
Nhóm chuyên gia đã sử dụng tàu lặn được điều khiển từ xa và quan sát được cá thể đặc biệt trên trong 5 lần, từ giữa năm 2008 đến 2011.
Cá mái chèo khổng lồ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1772 do công của nhà sinh học người Na Uy Peter Ascanius.
Tên khoa học của nó là Regalecus glesne, nhưng sinh vật này cũng được mệnh danh là vua của loài cá trích, cá mái chèo Thái Bình Dương, cá cờ và cá hố.
Ảnh chụp đầu tiên cho thấy một cá thể đang hoạt động ngoài tự nhiên - Ảnh: lsu.edu
Đối tượng lọt vào ống kính của các chuyên gia Mỹ dài khoảng 2,4 m. Cá thể dài nhất từng được ghi nhận dài đến 8 m.
Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng độ dài tối đa của một con cá mái chèo trong môi trường tự nhiên phải tới 15 m, nặng 270 kg.
Lý do khiến nó khó phát hiện vì cá mái chèo sinh hoạt ở độ sâu từ 200 m đến 1.000 m.
Trước đó, các chuyên gia biết đến sự tồn tại của loài cá này sau khi có một con cá chết dạt vào bờ.