Cam kết về thuế nhập khẩu của các nước dành cho Việt Nam
Các nước cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78 - 95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97 - 100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 - 10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…
Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại, trừ Mỹ áp dụng riêng lộ trình giảm thuế với hàng hóa của từng thành viên TPP.
Cam kết của Mỹ: Xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Mỹ sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp (tương đương 97,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 0,95 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả đều được xóa bỏ thuế ngay. Vào năm thứ 10, tổng số dòng thuế nông nghiệp được xóa bỏ là 97,4%. Mỹ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 35 dòng thuế đường và sản phẩm chứa đường. Đối với lĩnh vực Thủy sản, Mỹ cam kết sẽ xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10).
Cam kết của Canada: Xóa bỏ ngay 94,9% số dòng thuế, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (0,88 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tổng số dòng thuế được xóa bỏ lên tới 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào năm thứ 4. Canada duy trì hạn ngạch thuế đối với 96 dòng thuế của 3 nhóm mặt hàng: thịt gà, trứng và bơ sữa, sản phẩm bơ sữa. Nông sản, điện, điện tử của Việt Nam được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết. Mặt hàng đồ nội thất, cao su sẽ được xóa bỏ hoàn toàn ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc vào năm thứ 5.
Cam kết của Nhật Bản: Xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản (tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế. Riêng đối với như đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài surimi, tôm, cua ghẹ....của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Cam kết của Mexico: Tại thời điểm bắt đầu thực thi cam kết, tổng số 77,2% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế ngay (chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico, tương ứng với khoảng 282 triệu USD).
Vào năm thứ 10, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, tương ứng với khoảng 440 triệu USD. Mexico sẽ không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm; dầu cọ. Đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam như: Cá tra, basa, sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tôm đông lạnh xóa bỏ vào năm thứ 13, tôm chế biến xóa bỏ vào năm thứ 12. Cá ngừ chế biến xóa bỏ thuế vào năm thứ 16, trong đó giữ nguyên mức thuế cơ sở trong 5 năm đầu tiên rồi giảm dần về 0%.
Cam kết của Peru: Xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (15,6 triệu USD) và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17. Peru duy trì thuế theo biến động giá đối với 47 dòng thuế gồm sữa, ngô, gạo, đường. Các mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như điều, chè, tiêu, rau quả, một số loại cà phê đều được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Cam kết của Australia: Tổng số 93% số dòng thuế của Australia, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (2,9 tỷ USD) sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.
Cam kết của New Zealand: Xóa bỏ 94,6% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (101 triệu USD). Vào năm thứ 7 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.
Cam kết của Singapore: Singapore sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định.
Cam kết của Malaysia: Xóa bỏ ngay đối với 84,7% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, tổng số dòng hàng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của Malaysia lên tới 99,9%. Malaysia áp dụng hạn ngạch thuế đối với 15 dòng thuế trứng gia cầm, thị gà, thịt lợn và thịt bò.
Cam kết của Chile: Cam kết xóa bỏ đối với 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile (76 triệu USD). Vào năm thứ 8, Chile sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế, tương ứng với 100% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Giày dép, cao su sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình tối đa vào năm thứ 4. Mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ tối đa vào năm thứ 8.
Cam kết của Brunei: Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, Brunei sẽ xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) và sẽ xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.
Dựa vào cơ cấu xuất khẩu của từng mặt hàng xuất khẩu nói chung và mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chủ động nắm bắt về lộ trình và mức độ cắt giảm thuế quan mà các nước thành viên trong Hiệp định TPP đã cam kết, cùng với nhu cầu và tình hình kinh tế vĩ mô của các thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp, nhằm tận dụng tối đa cơ hội cũng như hạn chế những thách thức từ Hiệp định TPP. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư nhằm hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó giảm chi phí sản xuất.