Susanne Menden-Deuer, một chuyên gia hải dương của Đại học Rhode Island tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp quan sát Heterosigma akashiwo, một loài tảo siêu nhỏ, trong phòng thí nghiệm. Livescience đưa tin.
"Chúng tôi phát hiện tảo H. akashiwo có khả năng kiểm soát chuyển động của chúng trong nước và chúng thường di chuyển về phía ánh sáng và dưỡng chất. Ngoài ra, chúng cũng di chuyển mỗi khi động vật phù du, kẻ thù của chúng, xuất hiện. Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện một loài thực vật có khả năng làm vậy", Menden-Deuer phát biểu.
Nhóm nghiên cứu cho rằng tảo H. akashiwo có cách để phát hiện mùi đặc trưng của những kẻ muốn ăn chúng. Nếu chúng tới được vùng nước an toàn, số lượng của chúng sẽ tăng gấp đôi sau hai ngày. Nhưng nếu không có chỗ để lẩn trốn, chúng sẽ cố gắng "xơi tái" kẻ thù trong vòng 24 giờ. Hiện tượng này có thể giúp giới khoa học tìm ra cách giải thích mới sự bùng nổ nhanh chóng về số lượng của thực vật phù du trên mặt biển. Do sinh vật phù du luôn hướng về ánh sáng và dưỡng chất trong quá trình chạy trốn, hàng triệu sinh vật sẽ cùng tiến về phía vùng nước giàu ánh sáng và dưỡng chất, tạo nên đám sinh vật phù du khổng lồ.
"Một trong những điều bí ẩn của những đám tảo khổng lồ là chúng đột nhiên xuất hiện. Trong nhiều trường hợp chúng ta không thể lý giải sự xuất hiện của đám tảo khổng lồ bằng tốc độ tăng trưởng và sự dồi dào của dưỡng chất. Hành vi chạy trốn kẻ săn mồi của tảo có thể giúp chúng ta giải thích cơ chế hình thành của những đám tảo lớn", Menden-Deuer bình luận.