Thật, giả BZT
Từ nhiều năm nay, sản phẩm men vi sinh mang thương hiệu BZT® đã được biết tới và sử dụng rộng rãi ở nhiều nước nuôi tôm trên thế giới. Loại men này là sự kết hợp các dòng vi sinh và enzyme đặc biệt tinh lọc hoàn toàn tự nhiên, áp dụng quy trình công nghệ sinh học tiên tiến nhất và quy trình bao vi nang đã được cấp bằng sáng chế với công thức sinh học hoàn toàn tự nhiên giúp phân hủy triệt để chất thải hữu cơ.
Do đó, BZT® được chọn là sản phẩm sinh học đạt hiệu quả nhất cho tác dụng cải thiện chất lượng nước và giảm bùn đáy ao của dự án nghiên cứu phát triển nuôi trồng thủy sản tại Philipin kéo dài 3 năm do Liên Hiệp Quốc tài trợ. Cty United-Tech/Bio-Form, L.L.C (Mỹ) đã đăng ký độc quyền thương hiệu BZT® từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Hơn 10 năm nay, các loại men vi sinh mang thương hiệu BZT® của Cty United-Tech/Bio-Form, L.L.C, được sản xuất và đóng gói tại Mỹ, đã được Cty TNHH Công nghệ Sinh học A.T.C (Cty A.T.C) nhập khẩu, phân phối độc quyền tại Việt Nam. Do có chất lượng tốt, nên các loại men vi sinh BZT® đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều vùng nuôi tôm lớn ở Nam bộ. Theo ông Lê Văn Trí, Trưởng phòng Kinh doanh Cty A.T.C, hiện nay chỉ có 4 sản phẩm men vi sinh BZT® đang được Cty này phân phối tại Việt Nam, gồm: BZT® AQUA, BZT® DIGESTER, BZT® BIO (xử lý môi trường), BZT® PRO-LB (men tiêu hóa) và BZT® PRE-GE (tăng cường miễn dịch).
Thế nhưng ở ĐBSCL lại đang có tới hàng chục loại men vi sinh mà trong tên thương mại cũng có chữ BZT. Phần lớn các sản phẩm này chỉ dám ăn theo chữ BZT, nhưng cũng có nhiều sản phẩm ghi rõ ràng BZT® là thương hiệu đã được United-Tech/Bio-Form, L.L.C (Mỹ) đăng ký độc quyền.
Ngày 23/10, tôi ghé vào đại lý Hiến Phương ở thị trấn Cần Đước (huyện Cần Đước, Long An), hỏi về men vi sinh xử lý nước. Chủ đại lý đi vào trong nhà lấy ra 2 gói men vi sinh, trên bao bì có in tên sản phẩm là BZT Ponds. Tôi nhìn kỹ trên bao bì, thấy góc dưới cùng bên phải ghi “Sản phẩm của Cty CP Công nghệ cao Hòa Bình. Địa chỉ: 12 đường 6A, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM. Sản xuất tại ấp 6, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh”.
Như vậy, đây là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nhưng trên góc trên cùng bên trái của bao bì, lại in hình một… lá cờ Mỹ và ngay bên dưới lá cờ là chữ USA (?). Lấy cớ cần mang hình ảnh bao bì về cho người nhà xem có đúng sản phẩm cần mua hay không, tôi lấy điện thoại chụp lại hình gói men BZT Ponds. Vừa chụp được 1 hình, ông chủ đại lý giật phắt lấy, gắt: “Hàng của tôi ông chụp cái gì”, rồi đem luôn gói men đó vô trong nhà.
Ở vùng nuôi tôm của huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), các sản phẩm có chữ BZT in to tướng trên bao bì còn nhiều gấp mấy lần bên Cần Đước. Chỉ một buổi chiều ghé vào hơn chục ao nuôi tôm ở ấp Dương Hòa (xã Phước Trung) và mấy đại lý bán vật tư nuôi trồng thủy sản ở huyện Gò Công Đông, tôi đã thấy tận mắt, sờ tận tay mười mấy sản phẩm men vi sinh có nhãn hiệu BZT. Loại sản phẩm nào cũng được giật những cái tên rất kêu. Nào là BZT STAR, rồi BZT power, BZT Gold Best, BZT VIP, BZT® USA, BZT AMERICA… Đem những điều mắt thấy tai nghe đó hỏi ông Lê Văn Trí, ông này than: “Trên thị trường men vi sinh nuôi tôm, hiện có tới 40-50 sản phẩm mang tên BZT”.
Điều đáng nói là khi tra cứu tất cả các danh mục chế phẩm sinh học dùng trong NTTS, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường thủy sản được lưu hành tại Việt Nam, do Bộ NN-PTNT và Bộ Thủy sản (cũ) ban hành, tôi thấy rất nhiều sản phẩm có tên BZT không hề có trong danh mục.
Có thể kể ra đây như: BZT Ponds, BZT VIP, BZT® USA Waste Digester, BZT AMERICA, BZT STAR, BZT power, BZT Gold Best, Probiotic BZT… Gần đây, trong danh sách những sản phẩm men vi sinh ngoài danh mục, có thêm sản phẩm BZT-VB của Cty TNHH Vibo (đã được Cty này rao bán trên mạng). Mà hồi tháng 5 năm nay, Cty Vibo thì đã từng “nổi tiếng” qua vụ phải đền trên 1,6 tỷ đồng cho người nuôi tôm Trà Vinh vì lỡ dùng sản phẩm Eviro của Cty này để diệt giáp xác khiến tôm cũng... chết theo.
Thậm chí có những sản phẩm đã có trong danh mục được lưu hành, nhưng tên sản phẩm in trên bao bì lại khác với tên sản phẩm trong danh mục. Chẳng hạn, sản phẩm AQUA BIO BZT của Cty TNHH Sando (TP.HCM), có trong danh mục được lưu hành theo Thông tư số 71 năm 2009 của Bộ NN-PTNT. Nhưng trên bao bì của sản phẩm này, lại in rõ ràng là AQUA BIO BZT®. Mà như đã nói ở trên, BZT® là thương hiệu đã được United-Tech/Bio-Form, L.L.C đăng ký độc quyền.
Và trên bao bì của đại đa số các sản phẩm BZT, dù là được sản xuất ở Việt Nam hay có vẻ giống như là sản phẩm nhập khẩu dù không rõ xuất xứ từ đâu (vì trên bao bì in toàn tiếng Anh, có kèm theo nhãn phụ dán ở mặt sau bằng tiếng Việt), đều có in hình ... lá cờ Mỹ, như thể để dụ nông dân rằng đây là hàng Mỹ thứ thiệt hay có yếu tố Mỹ trong đó.
Tốn tiền với men vi sinh rởm!
Tình trạng men vi sinh nhái thương hiệu nổi tiếng mà không rõ chất lượng ra sao, rồi men vi sinh giả đang tung hoành khắp các vùng tôm Nam bộ, đã khiến cho nhiều hộ nuôi tôm phải khốn đốn, tốn không ít tiền của cho những sản phẩm này.
Ông Hòa, quản lý trại tôm Trương Văn Lực (ấp Dương Hòa, Phước Trung, Gò Công Đông, Tiền Giang), cho hay, trước đây, trại tôm này đã dùng nhiều loại men vi sinh khác để xử lý nước nhưng không có hiệu quả. Gần đây, trại này chuyển sang dùng men vi sinh BZT® USA Waste Digester. Đã dùng loại men này xử lý nước 2-3 lần, nhưng ông Hòa khẳng định chẳng hơn gì so với những loại men vi sinh mà trại tôm này đã từ bỏ.
Ông Nguyễn Văn Dương, GĐ Cty TNHH Hải Dương (Bình Thuận) có trong tay trên 150 ao tôm, đều thả giống tôm thẻ chân trắng, nên lượng men vi sinh phải sử dụng trong mỗi vụ tôm là khá lớn. Ông Dương cho biết trên địa bàn Bình Thuận hiện có rất nhiều loại men vi sinh sử dụng trong nuôi tôm, trong đó, có rất nhiều loại men giả. Ông Dương nói: “Có nhiều loại men, tôi lấy mẫu đem đi thuê các phòng thí nghiệm phân tích hẳn hoi. Kết quả cho thấy trong đó chỉ toàn bột mì, bột gạo, chẳng có vi sinh vi xiếc gì hết”.
Theo bà Ngô Hồng Điệp, Phó Trưởng trạm Khuyến ngư vùng hạ (Long An), có rất nhiều nông dân trong vùng đã phản ánh về tình trạng mua phải men vi sinh rởm, giả. Nhưng loại men này thường không được đưa vào đại lý mà được nhà sản xuất đưa thẳng tới nông dân thông qua những người chuyên đi bán thức ăn cho tôm.
Những nhân viên đi bán thức ăn này thường là người của các DN có tiếng ở lĩnh vực chế biến thức ăn cho tôm. Nhưng khi đem thức ăn tới bán tận nhà nông dân, họ đã tranh thủ kiếm thêm bằng cách chào bán cả men vi sinh của các DN khác. Mà phần lớn men vi sinh đó là hàng kém chất lượng. Bà Điệp cho biết bình quân mỗi vụ tôm, trên 1 ha, nông dân phải bỏ ra 2 triệu đồng cho men vi sinh. Nếu mua phải men rởm, men giả, tính ra mỗi vụ tôm, nông dân mất trắng một khoản tiền không nhỏ.