Ngược lại, trong nước, lợi dụng thông tin hạn hán, giá bán tôm tại các TP lớn như Hà Nội lại tăng vọt. Với chiêu “té nước theo mưa”, thương lái đã chủ động đẩy giá tôm tăng lên 70.000 – 100.000 đồng/kg. Trong khi thực tế, tại nơi sản xuất, giá tôm chỉ nhích nhẹ từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Khảo sát tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá tôm đã tăng cao hơn hẳn so với một tháng trước. Hầu hết các chợ đều đang bán loại tôm rảo dao động ở mức 180.000-250.000 đồng/kg, tuỳ loại to nhỏ, tăng khoảng 70.000 đồng/kg. Tại chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), giá tôm thẻ tăng từ 200.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Giá tôm đồng loại to, tôm đồng loại trứng cũng tăng thêm khoảng 50.000-80.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg.
Ngoài ra, giá tôm sú cũng tăng thêm 100.000 đồng/kg lên 450.000 đồng/kg. Đây được cho là mức giá tăng kỷ lục. Đa số người bán đều trả lời thắc mắc của khách, giá tôm tăng cao là do nguồn tôm đang khan khiếm, hàng từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chuyển ra ít. Lý do giá tôm tăng vọt đến gần 1/3 được “đổ” diệt cho thiên tai.
Theo chị Nguyễn Thị Mại, tiểu thương bán tôm, cá tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, các mối cung cấp tôm chị vẫn lấy hàng ở miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa. “Vụ cũ khai thác gần hết, vụ mới thì chưa xuống con giống nên hàng cực kỳ khan hiếm. Giờ tôm đông đá cũng được giá, nói gì tôm bơi. Tôi toàn bán ngày hai buổi chợ, nhưng giờ thì chỉ 1 buổi vì chẳng có đủ hàng bán", chị Mại cho hay.
Thực tế tại đầu nguồn cung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang xảy ra hạn hán kỷ lục và cũng là vựa nuôi trồng thủy, hải sản lớn của cả nước thì giá tôm có thực sự tăng quá cao? Nhiều lãnh đạo Sở NN&PTNT của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng thừa nhận, giá tôm nguyên liệu đang tăng mạnh do khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Đa số người nuôi tôm sợ hạn mặn nên chần chừ, không dám xuống giống vì ở độ mặn cao tôm không thể lớn được.
Vì thế, sản lượng tôm nguyên liệu cũng giảm tương ứng với diện tích nuôi thả. Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá tôm tăng từ tháng 3. Tại Sóc Trăng, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg từ 80.000 đồng/kg tăng lên 92.000 đồng/kg; tăng mạnh nhất là tôm thẻ cỡ 40 con/kg từ 145.000 đồng/kg tăng lên 161.000 đồng/kg, còn tôm thẻ các loại khác tăng bình quân 10.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, tại tỉnh Bạc Liêu, giá tôm thẻ dao động từ 100.000 -110.000 đồng/kg, tùy loại. “Hiện bà con đã thu hoạch xong tôm vụ đông, đang chờ nước để xuống giống tôm vụ hè thu nhưng do khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn mạnh khiến độ mặn trong nước cao nên người dân chậm xuống giống.
Đến ngày 8-4, nước ngọt xả từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) vẫn chưa về đến địa bàn tỉnh”, ông Lân thông tin. Và so với miền Bắc, giá tôm tại Bạc Liêu dù có tăng cũng chỉ ở mức 20.000 đồng/kg. Còn tại Kiên Giang, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của hạn mặn cũng vẫn giữ nguyên được diện tích nuôi tôm lồng, sản lượng tôm dù giảm nhẹ nhưng không đáng kể. Trong đó, diện tích tôm nuôi công nghiệp của tỉnh khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Giá tôm thương phẩm trên thị trường tỉnh Kiên Giang dao động ở mức 110.000-120.000 đồng/kg, tùy loại.
Còn theo những thông tin chúng tôi có được từ Bộ NN&PTNT, giá tôm tại đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ từ giữa tháng 3 trở lại đây. Báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản cho thấy, tại Sóc Trăng, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg từ 80.000 đồng/kg tăng lên 92.000 đồng/kg; tăng mạnh nhất là tôm thẻ cỡ 40 con/kg từ 145.000 đồng/kg tăng lên 161.000 đồng/kg, còn tôm thẻ các loại khác tăng bình quân 10.000 đồng/kg. Ngoài ra, theo báo cáo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, diện tích và sản lượng tôm nước lợ 3 tháng đầu năm 2016 chỉ giảm nhẹ.
Rõ ràng, với thực trạng hậu quả của hạn mặn, sản lượng nông lâm thủy sản cung cấp ra thị trường cả nước từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long có bị ảnh hưởng. Nhưng với mặt hàng tôm, mức giá nhích nhẹ ở đầu nguồn cung cùng với lý do hạn hán đã khiến nhiều thương lái đẩy giá tôm tăng vọt tại các TP lớn như Hà Nội thu lợi nhuận.
Dự kiến, với tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, người nuôi tôm không dám thả loạt mới, và chắc chắn, tình trạng khan hiếm tôm sẽ xảy ra, không chỉ ở các chợ phân phối lẻ trên toàn quốc mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều nhà máy chế biến và xuất khẩu tôm.