Quả dứa (còn có tên gọi khác là thơm, khóm, gai, huyền nương) có tên khoa học là Ananas comosus được biết đến như nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, có chứa nhiều axit hữu cơ, vitamin B1 và C1. Ở Việt Nam, dứa được coi là cây trồng chính của nhiều tỉnh thành như Tiền Giang, Kiên Giang, Ninh Bình.
Phế thải của quả dứa được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi do có chứa nhiều đường, protein, chất xơ, cacbohydrate và bromelain – một enzyme phân giải protein có tác dụng hổ trợ tiêu hóa và kháng viêm. Nhờ vào hệ thống lên men ở trạng thái rắn (SSF- Solid State Fermentation) làm tăng hàm lượng protein của phế thải dứa, vì thế chúng dần trở thành nguồn nguyên liệu phổ biến sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Quá trình lên men xảy ra bởi các vi sinh vật phát triển trên bề mặt rắn hoặc chất rắn có độ ẩm thấp.
Phế thải của dứa, bao gồm lá, thân, vỏ được cắt thành nhiều miếng nhỏ và sấy khô ở 70ºC trong vòng 48 giờ, chất thải khô sau đó được nghiền và lọc qua màn lưới (mắt lưới 250 mm), thành phẩm thu được là một loại bột mịn (bột dứa).
Bột được làm từ phế thải dứa. Ảnh minh họa
Thức ăn chăn nuôi được chỉ định cho cá rô phi giống (trong nghiên cứu này, loại thức ăn sử dụng có chứa 32% protein thô, 3% chất béo thô) trộn với bột dứa theo 4 chế độ ăn :(1) nghiệm thức đối chứng (không cho ăn bổ sung bột dứa), (2) cho ăn 10%, (3) cho ăn 20% và (4) cho ăn 30% . Nghiên cứu được thực hiện trong vòng 56 ngày, với trọng lượng cá ban đầu khoảng 5,0 - 7,0 g và được nuôi trong bể thủy tinh 25L, cho ăn 3 lần mỗi ngày.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng khi cho ăn bổ sung 30% bột dứa thì tăng trọng cá rô phi đạt mức cao nhất 9,67 g so với các nghiệm thức còn lại. FCR ghi nhận ở chế độ ăn 30% bột dứa cũng cho kết quả thấp nhất. Các thông số về chất lượng và màu sắc thịt cá cũng được ghi nhận. Cụ thể, các chỉ số về độ đàn hồi, độ săn chắc của thịt cá đều ghi nhận được kết quả cao ở các chế độ cho ăn bổ sung 10% và 30% bột dứa.
Đối với tính kết dính và độ dai thì kết quả thu được tốt hơn ở nghiệm thức đối chứng và bổ sung 20% bột dứa. Trong cả 4 chế độ ăn số liệu ghi nhận được cho thấy không có nhiều sự khác biệt về màu sắc (gồm sắc đỏ và sắc vàng) của thịt cá. Nhưng chế độ ăn với 30% bột dứa vẫn có kết quả khả quan hơn.
Phế thải dứa chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học có thể thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột để tăng cường tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu ghi nhận về sắc vàng trong thịt cá rô phi đạt mức tương đối cao. Theo nhiều giả thiết, thịt cá phi lê có sắc vàng đại diện cho sản phẩm kém do chất lượng nước nuôi kém. Nhưng trong nghiên cứu này, cá rô phi được nuôi thử nghiệm trong bể thủy tinh và nguồn nước luôn được giám sát để đảm bảo đạt yêu cầu. Do đó, tác giả cho rằng sắc vàng ghi nhận từ thịt cá rô phi có lẽ bị ảnh hưởng bởi các hợp chất có trong phế thải dứa khi cho ăn bổ sung.
Nghiên cứu trước đó của Deka et al., 2003 cũng báo cáo rằng năng suất tăng trưởng của cá trôi (Labeo rohita) giai đoạn giống đạt kết quả tốt nhất khi cho ăn bổ sung 25% phế thải dứa. Hay một nghiên cứu khác của Zulhisyam et al., 2021 việc thay thế 50% bữa ăn của cá trê phi (Clarias gariepinus) bằng bã đậu nành lên men cũng cho thấy hiệu suất tăng trưởng vượt bậc. Những kết quả nghiên cứu này càng chứng minh việc sử dụng phế thải bổ sung vào thức ăn cho động vật thủy sản là một bước tiến mới giúp cải thiện được hiệu quả tăng trưởng và nâng cao chất lượng thịt cá.
Nguồn : Suniza Anis Mohamad Sukri, Yusrina Andu, Zuharlida Tuan Harith, Shazani Sarijan, Mohd Naim Firdaus Pauzi, Lee Seong Wei, Mahmoud A.O. Dawood, Zulhisyam Abdul Kari (12/2021). Effect of feeding pineapple waste on growth performance, texture quality and flesh colour of nile tilapia (Oreochromis niloticus) fingerlings. Science Direct.