Với các địa phương có thế mạnh nuôi tôm nước lợ như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Mỹ Xuyên, người nuôi tôm thường kết hợp nuôi cá nước lợ theo hình thức luân canh hay nuôi ghép mục đích cải tạo môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh. Các loại cá được tập trung nuôi là cá dứa, cá đói, cá mục, cá kèo, cá chẽm. Gần đây, hộ anh Võ Điền Trung Dũng, ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú (Trần Đề) đã thử nghiệm con cá Hồng Mỹ, bước đầu đem lại nguồn thu nhập tốt.
Anh Dũng bộc bạch: “Thấy tiềm năng từ con cá nước lợ, đặc biệt là cá Hồng Mỹ, tôi đã chuyển đổi hình thức nuôi tôm luân canh thành nuôi 1 vụ tôm và 1 vụ cá. Với diện tích 40 ha nuôi cá, trong đó 20 ao nuôi cá chẽm và 5 ao nuôi cá Hồng Mỹ, tổng sản lượng 2 loại cá khoảng 1.500 tấn, trừ hết chi phí lợi nhuận tầm 5 tỷ đồng. Cá Hồng Mỹ chủ yếu bán tại thị trường nội địa nhưng rất có tiềm năng do chất lượng thịt ngon, người tiêu dùng ưa chuộng. Cá xuất bán trọng lượng khoảng 700 - 800 g/con, nếu xuất bán thị trường châu Âu trọng lượng phải đạt 2 kg/con.
Theo tính toán của anh Dũng, nếu bán cá Hồng Mỹ với giá 85.000 đồng/kg, người nuôi thu về lợi nhuận là 25.000 - 30.000 đồng/kg, đây là con số hấp dẫn, bởi cá dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và ít rủi ro so với nuôi tôm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn cá giống chưa được phát triển tại địa phương, phải vận chuyển xa, chi phí cao và dù chất lượng thịt ngon nhưng cá chưa xuất khẩu vào các thị trường lớn.