Chưa đầy nửa năm sau, tất cả đã không còn là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực. Hiện tại, các ao nuôi cá tra giống của bà con Tân Hưng đã được trên dưới 3 tháng tuổi, sắp đến ngày xuất ao, nhưng cá đã bệnh chết hàng lọat…
Cơn gió thổi làm nổi sóng mặt nước, đưa từng đám cá tra chỉ trạc hơn ngón tay cái, đã bị thả ngửa gom vào một góc ao. Tại đây, khoảng vài tiếng đồng hồ chủ ao phải vớt lên chừng vài chục kg cá chết.
Bà Tư Phượng xót xa vớt hàng tấn cá giống – là vốn liếng, là công sức hàng vài ba tháng trời, giờ phải đổ đi.
Cũng như thường ngày, trưa nay Bà Tư Phượng ở ấp Gò Pháo xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng vẫn tất bật bên ao cá tra giống của mình, nhưng với một công việc không lấy gì làm vui vẻ. Bởi đây là ngày thứ 10, bà Phượng phải làm cái việc bất đắc dĩ là đổ đi hàng trăm ký cá chết khi đã hơn 2 tháng tuổi..
Nhớ lại cách đây 6 tháng, thấy bà con xung quanh đào ao ương cá tra bột bán giống có lời, bà Tư Phượng cũng thuê máy móc đào 1 hecta để thả nuôi. Và quả thật, vụ đầu tiên bà thu lời trên 200 triệu đồng. Đến vụ này bà Phượng tiếp tục thả nuôi và tăng diện tích lên thành 2 hecta, nhưng khi gần đến ngày thu hoạch thì đột nhiên, ao cá đã đầu tư trên 200 triệu đồng của bà phát bệnh. Chỉ trong 10 ngày, trên diện tích 1 hecta bà phải vớt đổ đi đến hơn 1 tấn cá chết. Hai hecta ao của bà mùa này cầm chắc là lỗ. Nhưng theo bà, đó vẫn là còn nhẹ hơn nhiều ao khác.
Ở huyện Tân Hưng tính đến đầu tháng 8 này, đã có trên 1.000 hecta đất lúa được chuyển sang nuôi cá tra giống, với trên dưới 800 hộ nuôi. Hiện có đến 80% diện tích bị nhiễm bệnh ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có trên trên 300 hecta bị mất trắng, trong số này có đến khoảng trên 600 hộ có cùng hoàn cảnh như bà Tư Phượng. Thiệt hại về kinh tế hiện vẫn chưa sao tính hết.
Nhiều nơi cá chết được bà con đổ hàng đống tại các góc bờ thậm chí là đổ tràn lan xuống ven dòng kênh thoát nước gây ô nhiểm không chỉ môi trường nước, mà cả không khí khi mùi hôi thíu của cá chết bay xa hàng cây số…
Hậu quả này, được xác định là do bà con phát triển ruộng nuôi tràn lan, mất kiểm soát nguồn nước, trong khi người dân chưa trang bị đủ kiến thức cần thiết về kỹ thuật chăm sóc con cá tra giống, nhưng đa số lại thả với mật độ rất dày, cao hơn khuyến cáo từ gấp 2 đến 3 lần.
Các loại bệnh hiện nay trên cá tra giống phổ biến là: “gan thận mủ” và “bệnh xuất huyết”, “trắng gan”, “trắng mang”.
Một thực trạng rất nguy hiểm là, dù rất nhiều ao nuôi đã phải vớt cá đổ đi, nhưng bên cạnh nhiều ao nuôi cá mới vẫn đã và đang tiếp tục được hình thành.
Theo Thạc sĩ Phạm Phú Hùng, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An thì nhu cầu con giống cá tra hiện tại chỉ cần trên 600 hecta là đã đủ cung cấp, trong khi chỉ riêng tỉnh Long An đã có trên 1.300 hecta. Sự chênh lệch cung cầu này còn treo lơ lửng một nguy cơ khác không thể tránh khỏi ngoài thiệt hại về dịch bệnh đã thấy rõ đó là thất giá.
Ths Hùng khuyến cáo: “Bà con nên hết sức bình tỉnh, không nên vội vàng sản xuất nhiều vụ trong 1 năm trên cùng một diện tích. Cần chọn thời điểm thích hợp để sản xuất, dành ra một phần làm ao lắng và cố gắng tìm mối liên kết đầu ra…”
Đó là những giải pháp mà sau này bà con tại Tân Hưng nói riêng và tỉnh Long An nói chung sẽ phải làm, nếu không muốn thất bại trong sản xuất con cá tra giống tràn lan và tự phát như hiện nay.. .