Khởi nghiệp từ tay trắng
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2010, anh Cao Phú Khánh (SN 1986), trở lại quê nhà xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa. Thời gian đó, cũng như nhiều vùng quê khác, thanh niên thường lựa chọn đến các vùng đô thị tìm hướng phát triển sự nghiệp hoặc đi làm công nhân ở các nhà máy xí nghiệp.
Sau bao đêm suy nghĩ, cuối cùng anh Khánh quyết định lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương mình. Tuy vậy, chính anh cũng chưa biết sẽ phát triển mô hình gì với hai bàn tay trắng. Để thực hiện ấp ủ của bản thân, anh đi tham quan, học tập rất nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế ở một số địa phương. Mỗi lần đi tham quan, anh đều tranh thủ gặp gỡ người nuôi để tìm hiểu kỹ càng về mô hình. Sau thời gian tìm hiểu, anh nhận thấy nuôi ếch sẽ phù hợp hơn với điều kiện của bản thân và đặc điểm ruộng vườn ở quê nhà. Vậy là đầu năm 2012, anh Khánh bắt đầu nuôi ếch.
Anh Cao Phú Khánh, một trong những người trẻ điển hình sản xuất nông nghiệp giỏi. Ảnh An Long
Do khó khăn về vốn nên ban đầu, anh vay mượn của người thân, ngân hàng được gần 20 triệu đồng đầu tư nuôi 1.000 con ếch. Sau gần 3 tháng nuôi, trừ chi phí, anh thu lãi hơn 8 triệu đồng. Cũng từ đợt đầu tiên này, anh giữ lại 100 con ếch sinh sản để tiếp tục nhân giống nuôi. Ngoài nuôi ếch, năm 2013, anh còn mở rộng quy mô khi nuôi, lai tạo giống cá rô, cá trê.
Thấy anh đầu tư nuôi ếch, cá, nhiều người không nghĩ rằng sẽ thành công, bởi ở vùng quê này, từ trước tới giờ đã có biết bao “lão nông” đã thử sức nhưng đều thất bại. Nhưng rồi, anh Khánh đã chứng minh cho tất cả thấy rằng, con đường lựa chọn làm giàu trên quê hương là đúng đắn khi mang lại lợi nhuận cao.
Nhớ lại thời gian mới khởi nghiệp, anh Khánh kể, vài lứa nuôi đầu tiên cũng khá vất vả trong việc tiêu thụ. Vậy là hàng ngày anh phải chạy vạy khắp nơi, lên đến các chợ đầu mối ở TP.HCM để tìm nguồn tiêu thụ. Cũng từ những chuyến đi như thế, anh dần tạo được những mối tiêu thụ thân quen. Khi có đầu ra ổn định, anh tiếp tục mở rộng quy mô nuôi ếch, cá. Cứ thế có được ít vốn anh lại mở rộng quy mô thả nuôi, đồng thời đầu tư mua xe tải để chở hàng giao cho khách hàng.
Dăm năm gần đây anh đã duy trì nuôi, ươm ếch, cá rô, cá trê trên diện tích 3ha; sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 1,5 tỉ đồng/năm. “Ếch, cá rô, cá trê là loài rất dễ nuôi, quan trọng nhất là nguồn nước phải bảo đảm vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh”, anh Khánh chia sẻ.
Tỉ phú trẻ và hơn thế nữa
Từ mô hình của anh Khánh đã giúp tạo việc làm ổn định, thường xuyên và thời vụ cho hàng chục thanh niên ở địa phương. Như anh Cao Văn Thiệt (ngụ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) trước đây làm tài xế xe tải đường dài nhưng sau đó về làm cho anh Khánh. “Hơn 2 năm nay, tôi có công việc ổn định, thu nhập cũng khá, lại không phải xa nhà nhiều ngày như trước đây mà có thời gian chăm sóc cho gia đình”, anh Thiệt tâm sự.
Anh Cao Phú Khánh, một trong những người trẻ điển hình sản xuất nông nghiệp giỏi. Ảnh An Long
Giờ đây đã thành công và trở thành tỉ phú trẻ trên con đường đã chọn nhưng anh Khánh cho rằng, ngoài nhiệt huyết, quyết tâm cao, siêng năng, cần cần cù, chịu khó học hỏi thì nguồn vốn là rất quan trọng. Chính vì lẽ đó, những năm gần đây, anh Khánh đã cho 33 người ở xã vay gần 2 tỉ đồng để nuôi thủy sản, có những hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Năm 2017, anh đứng ra thành lập HTX Nuôi thủy sản Long Thạnh. Đây là HTX thủy sản đầu tiên của huyện và có 7 thành viên với diện tích gần 20ha nuôi ếch, cá. Dưới sự lèo lái của giám đốc trẻ Cao Phú Khánh, HTX phát triển ổn định, mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên. Ngoài ra, HTX còn tạo dựng được 80 hộ tại địa bàn xã và lân cận nuôi cá, ếch. Tất cả các hộ nuôi đều được cung cấp con giống bảo đảm chất lượng, giá thành rẻ hơn thị trường và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Sau thu hoạch, HTX sẽ thu mua cá, ếch cho các hộ và cung ứng ra thị trường gần 100 tấn ếch, cá rô, cá trê mỗi tháng.
Năm 2017, anh Cao Phú Khánh đoạt giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn tổ chức. Tại lễ kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM được tổ chức vào ngày 26.3.2021, anh Khánh được tỉnh vinh danh là công dân trẻ tiêu biểu nhất trong tổng số 10 công dân trẻ tiêu biểu của tỉnh.
Theo anh Khánh, bên cạnh những ưu thế như sáng tạo, nhạy bén,... thì khó khăn về nguồn vốn cũng là rào cản khởi nghiệp của thanh niên. Do đó, ngoài sự hỗ trợ của gia đình, tự lực của bản thân thì rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Long An Trần Quốc Quân chia sẻ “Anh Khánh là tấm gương điển hình, tiêu biểu về phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương. Trong bối cảnh nhiều thanh niên rời vùng quê để đi đến những vùng đô thị tìm kiếm việc làm, phát triển sự nghiệp thì anh Khánh lại chọn cho mình còn đường ở lại vùng quê để làm nông. Từ hai bàn tay trắng nhưng anh đã thành công, trở thành giàu có”.