Tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2018 đến nay trên 1.622ha, đạt 25% kế hoạch (gồm diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2017 chưa thu hoạch chuyển sang năm 2018 là 1.404,5ha và diện tích thả tôm nước lợ năm 2018 là 217,7ha). Đến thời điểm này, có hơn 23,5ha tôm nuôi đón tết phải thu hoạch sớm vì nhiễm bệnh.
Tôm mất mùa, nông dân vùng hạ lo lắng không biết đón tết ra sao
Tết buồn
Những ngày này, không khí đón tết của người nuôi tôm vùng hạ không chộn rộn như những nơi khác. Ông Phan Văn Nhum, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, ngậm ngùi: “Vụ tôm vừa rồi mất mùa, tết này chắc không sung túc như mọi năm”.
Theo ông Nhum, do tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng nên mới thiệt hại nặng như vậy. Thời gian qua, thời tiết biến đổi bất thường, một số hộ nuôi không bảo đảm kỹ thuật trong khâu vệ sinh ao hồ, hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, thả nuôi chưa đồng bộ nên dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Phần lớn người nuôi tôm tự phát sử dụng hệ thống cấp, thoát nước bừa bãi nên khi dịch bệnh xảy ra khó kiểm soát.
Chúng tôi đến nhà anh Trần Trọng Nghĩa tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, trong lúc gia đình đang lo lắng, chưa biết đón tết ra sao. Anh Nghĩa cho biết: “Hơn 10 năm nuôi tôm nhưng chưa năm nào lại thất như năm nay. Thời tiết phức tạp, tôm nhiễm bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi. Lỗ vụ này, lấy tiền đâu ăn tết!”. Gia đình anh Nghĩa nuôi 4.000m2 tôm. Những năm trước, tôm trúng mùa, gia đình anh chuẩn bị tết tươm tất.
Anh Nghĩa bùi ngùi: “Năm nay, số tôm thả nuôi vụ tết mới được hơn 20 ngày bỗng dưng nhiễm bệnh trên 80%, coi như mất trắng, tôi lỗ hơn 50 triệu đồng. Nuôi vụ tôm này để có tiền ăn tết, mà tôm chết thì coi như không có tết. Không riêng tôi, nhiều hộ nuôi tôm năm nay cũng khốn đốn, mất trắng, lấy đâu ra vốn nuôi lại vụ sau”.
Lại “được giá, mất mùa”
Giá tôm tăng mạnh nhưng người nuôi lại không có tôm để bán. Theo một số người nuôi, tình hình nuôi tôm ngày càng gặp khó khăn, thiếu bền vững. Lúc tôm được mùa thì rớt giá, khi được giá thì mất mùa.
Anh Nguyễn Văn Phê, ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, có 0,5ha đất nuôi tôm thẻ vụ tết, cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, có khả năng giá tôm tăng cao. Trước tình hình dịch bệnh xuất hiện trên tôm, tôi chủ động phòng ngừa, mong bảo vệ được số tôm còn lại”.
Theo các thương lái, vụ tôm tết thường dễ bán, giá cao bởi dịp này thường diễn ra các lễ hội, tiệc cưới, liên hoan, trong đó, các món ăn chế biến từ tôm được nhiều người ưa thích.
Phó Trưởng trạm Khuyến nông Cần Đước - Ngô Hồng Điệp thông tin: “Giá tôm hiện nay tăng cao nhưng do dịch bệnh xuất hiện trên tôm, gây thiệt hại nên phần nhiều nông dân bị lỗ. Dịch bệnh trên tôm tăng do khi tôm chết, người nuôi nôn nóng xả bỏ, xử lý nhanh và tiếp tục thả nuôi, không khai báo chống dịch theo quy định nên công tác chống dịch không triệt để. Một số ao, đầm nuôi, bờ ao không bảo đảm chống thấm nên khi có bệnh rất dễ lây lan và khi xử lý hóa chất chống dịch bệnh, nước ao nuôi này rò rỉ làm chết tôm ở những ao lân cận gây khó khăn cho công tác triển khai chống dịch. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp nên dịch bệnh trên tôm nuôi xuất hiện thường xuyên trong vùng nuôi”.
Được giá nhưng lại mất mùa
Hiện, giá tôm thương phẩm tương đối ổn định. Tôm thẻ chân trắng cỡ 60-70 con/kg giá từ 120.000-130.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg giá từ 105.000-110.000 đồng/kg. Tôm sú, cỡ 40-50 con/kg giá từ 210.000-220.000 đồng/kg; cỡ 70-80 con/kg giá từ 130.000-140.000 đồng/kg.
Để sản xuất hiệu quả
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Phạm Phú Hùng cho biết: “Hiện nay, tại các huyện vùng hạ, với tâm lý đón giá cao dịp tết nên phần lớn người nuôi cải tạo ao và thả nuôi tôm bằng nguồn nước giếng khoan hoặc trữ nước lại từ vụ nuôi trước. Mặt khác, một vấn đề trở ngại hiện nay là người dân thả giống không đồng loạt và chất lượng con giống kém, thiếu kiểm soát nên ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Đồng thời, nguồn nước sông bên ngoài đang bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi làm môi trường nước trong ao nuôi luôn biến động dẫn đến xuất hiện một số bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng.
Để nuôi tôm đạt năng suất, hiệu quả cao, người nuôi cần tuân thủ đúng quy trình, từ khâu chọn giống, xử lý môi trường nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên tôm đúng kỹ thuật. Thời gian tới, người dân nên thả tôm giống khi điều kiện thời tiết ôn hòa, theo lịch khuyến cáo, chọn tôm sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng; thả mật độ vừa phải (50 con/m2). Người nuôi nên theo dõi mật độ khuẩn gây hại trong ao nuôi để diệt khuẩn kịp thời khi cần thiết”.