Ngoài việc giăng câu, lưới, đặt lợp-lờ... bắt cá, vớt ốc bươu vàng cũng giúp người dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười có thêm thu nhập. Lũ nhỏ là điều kiện để ốc bươu vàng bùng phát vì không bị nước cuốn trôi. Ốc bám vào nhành cây, ngọn cỏ sinh sản rất nhanh.
Tận dụng thời gian nhàn rỗi trong mùa lũ, vợ chồng anh Phan Văn Mỹ - xã Vĩnh Thạnh (huyện Tân Hưng) - kiếm thêm được vài trăm ngàn đồng mỗi đêm từ việc vớt ốc bươu vàng để bán. Khoảng 1 tháng trở lại đây, hai vợ chồng anh Mỹ kiếm thu nhập được gần 20 triệu đồng, mua được xuồng, máy. Theo anh Mỹ, cứ sẩm tối mỗi ngày, vợ chồng anh chèo xuồng đi vớt ốc bươu vàng, thường thì vớt đến khoảng 22-23h, 2 vợ chồng bắt được cả trăm ký; sáng hôm sau đem ốc bươu vàng nấu và lể ra lấy thịt bán với giá 9.000 đồng/kg.
Những ngày này, gia đình bà Lê Thị Tiến (ở xã Vĩnh Thạnh) cũng tập trung vào việc bắt ốc bươu vàng. Theo bà Tiến, năm nay nước đổ về không nhiều như mọi năm, nhưng bà con vùng lũ kiếm ăn từ việc bắt ốc bươu vàng thu nhập không thua những năm trước bao nhiêu. Mỗi ngày, một hộ kiếm được hơn trăm ngàn đồng; thậm chí những hộ gia đình có nhiều công lao động kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi đêm.
Bà con nơi đây cho biết, sau khi nấu, thịt ốc bươu vàng được người dân tại đây thu gom rồi bán lại cho thương lái từ TPHCM xuống mua, bao nhiêu cũng hết. Còn theo ông Võ Ngọc Nhồi - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng: Mùa lũ, việc người dân vớt ốc bươu vàng bán góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp bà con nghèo có thêm thu nhập trong mùa lũ. Dù công việc vất vả do bắt ốc bươu vàng vào ban đêm, nhưng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nghèo.
Ông Trần Tấn Tài - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hưng - cho rằng: Hằng năm, ốc bươu vàng gây hại lúa, nông dân phải tốn chi phí mua thuốc phun xịt diệt ốc. Bà con ở các huyện vùng lũ tham gia bắt ốc bươu vàng góp phần hạn chế tác hại mùa màng do ốc bươu vàng vàng gây ra là việc làm cần được phát huy.