Đó là khẳng định của ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang khi nói nước lũ đang lên nhanh và cá linh đã đạt chuẩn khai thác theo quy định.
Ngày 20/8, ông Thư cho biết hiện tại, Sở đã khảo sát và làm việc xong có biên bản ký kết với Viện Thủy sản, một số địa phương đầu nguồn biên giới và các nhà khoa học về tình hình cá linh non hiện tại vượt chuẩn nên có thể cho bà con tiến hành khai thác cá linh.
Ông Thư cho rằng, qua khảo sát tình hình nước lũ ở các huyện biên giới như An Phú, Tân Châu, Châu Đốc... thì mực nước lũ đang lên nhanh và cá linh non đã vượt hơn chuẩn 50mm tính từ đầu đến đuôi cá.
Thậm chí nhiều con lớn rất nhanh nên hiện tại các địa phương có thể cho người dân khai thác đánh bắt cá linh.
“Ban đầu An Giang cấm đến hết 31/8 để cá linh đạt chuẩn mới khai thác. Nhưng năm nay nước lũ lên nhanh và cá đã lớn vượt hơn kích cỡ quy định nên trong ngày 21/8, Sở sẽ trình UBND tỉnh ký quyết định cho phép bà con được phép đánh bắt cá linh (chủ yếu là người dân làm nghề đặt đáy – PV), ông Thư nói.
Theo ông Thư, mùa lũ năm 2017 này, An Giang cho “xả lũ” vào 23.000ha diện tích lúa không làm vụ 3 để cho nước lũ vào đồng ruộng tạo phù sa, dinh dưỡng cho đất và giảm sâu bệnh cho đất trồng lúa sau nhiều năm không có nước lũ vào.
Cùng ngày, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng xác nhận chuyện này.
"Trong ngày 21/8, UBND tỉnh sẽ ký quyết định cho bà con tiến hành khai thác cá linh sớm hơn so với thông báo trước đó vì hiện tại cá linh đã lớn hết rồi. Nếu mình không cho khai thác từ bây giờ thì con cá linh cũng đi mất và thu nhập của bà con sẽ giảm sút nếu không được khai thác đánh bắt cá linh khi đã đủ kích cỡ”, ông Thạnh nói.
Trước đó, tỉnh An Giang đã ban hành công văn cấm đóng đáy bắt cá linh non dưới 50mm kể từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/8 để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, năm nay mưa, bão liên tục khiến mực nước vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu lên nhanh nên con cá cũng lớn rất nhanh.
Việc gỡ bỏ lệnh cấm khai thác cá linh sẽ là điều kiện giúp bà con vùng biên giới nâng cao thu nhập của mình.