Tất cả các loại bầu khi còn non ăn luôn vỏ rất ngon. Khi vừa lớn, không tiêu thụ ngay có thể đem thái mỏng, phơi khô, ăn như măng. Riêng trái bầu hồ lô có hình dáng đẹp, nên thường được để già làm vật trang trí như bình đựng rượu, đựng nước, đựng hạt giống khô... Trong phong thủy học, bầu hồ lô là vật phẩm mang lại yên lành và sức khỏe. Nó có thể dùng treo đầu giường của bệnh nhân giúp bệnh tình mau thuyên giảm. Khi trẻ nhỏ quấy khóc, người xưa thường treo một quả bầu hồ lô bên cạnh chiếc nôi để giúp trẻ ngủ ngon hơn. Vợ chồng hục hặc, bất hòa treo hai quả hồ lô (âm dương) trong phòng sẽ “cơm lành canh ngọt” trở lại. Bên cạnh đó, dân gian còn truyền miệng rằng với những người hiếm muộn, treo một trái bầu hồ lô ngũ hành không lâu sau sẽ thụ thai và sinh quý tử...
Trở lại giá trị thiết thực của bầu hồ lô, tuy có nhiều ruột nhưng lại là loại dùng chế biến món ăn rất ngon. Bầu hồ lô xào với tôm, mực hoặc nấu canh với cá trê thì tuyệt vời. Ngoài các cách chế biến trên, bầu hồ lô mà dùng để hấp với lươn thì ngon khỏi chê. Người dân quê tôi khi làm món này thường chọn những quả bầu còn non, da xanh bóng; sau đó cắt ngang núm bầu, dùng dao bằng cật tre nhẹ nhàng khoét dần ruột bầu từ trên xuống để lấy bớt ruột ra. Một vài con lươn đồng sau khi làm sạch, cắt khúc chừng 5 cm, ướp chung gia vị (bột ngọt, mắm, tiêu, hành tím, ớt trái xắt mỏng...) và đặc biệt phải có thêm vài lát gừng tươi để khử mùi tanh của lươn. Sau khi gia vị đã thấm đều vào từng khúc lươn, cho tất cả vào trong ruột bầu rồi đậy kín nắp lại, đem chưng cách thủy. Khi chưng phải canh lửa cho đều, độ nửa giờ thì tắt bếp, và lấy trái bầu hồ lô ra đặt lên đĩa để thưởng thức.
Mở nắp bầu ra, mùi thơm của lươn, của bầu bay lên khó có ai cưỡng lại sự háo hức, nhất là lũ trẻ con. Lươn hấp bầu là món ăn ngon, bổ dưỡng. Món ăn này thường dùng đãi khách quý hoặc khi nhà có tiệc. Ai đã thưởng thức qua một lần sẽ nhớ mãi...