BZT vào Việt Nam
Việc cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu BZT trải qua một thời gian khá dài với sự tranh chấp của mấy công ty trong ngành thủy sản.
Vì vậy, để hiểu rõ mọi việc quanh nhãn hiệu này, chúng tôi xin bắt đầu bài viết này từ thời điểm các sản phẩm BZT đầu tiên được đưa vào phục vụ nuôi thủy sản ở Việt Nam gần 20 năm trước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chế phẩm sinh học dùng để xử lý nước, xử lý môi trường nuôi thủy sản mang nhãn hiệu BZT đã xuất hiện ở Việt Nam vào đầu những năm 2000.
Cụ thể, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học A.T.C (gọi tắt là A.T.C) là đơn vị đầu tiên phân phối các sản phẩm mang nhãn hiệu BZT tại Việt Nam (ngày 12/12/2003, nhãn hiệu BZT® của BFL đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tại Mỹ).
Theo đó, vào ngày 17/6/2002, giữa BIO-FORM L.L.C (BFL) của Mỹ và A.T.C đã ký hợp đồng Li xăng (chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp). Theo hợp đồng này, A.T.C được BFL cấp độc quyền phân phối, đặt hàng và bán các sản phẩm của BFL mang nhãn hiệu BZT tại Việt Nam.
Năm 2003, sau quá trình khảo nghiệm và thử nghiệm, BZT chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với 2 sản phẩm BZT® Aqua và BZT® Digester (sau này có thêm 3 sản phẩm là BZT® BIO, BZT® PRO-LB và BZT® PRE-GE).
Với chất lượng tốt và ổn định, các sản phẩm BZT do A.T.C phân phối nhanh chóng trở thành thương hiệu uy tín, chất lượng cao trong ngành thủy sản Việt Nam.
Theo thời gian, nhãn hiệu BZT đã trở nên quen thuộc với đông đảo người nuôi tôm, cá, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, đến ngày 31/7/2007, các sản phẩm BZT của BFL bị Bộ NN-PTNT loại khỏi danh mục sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, bởi trong thành phần có dòng vi khuẩn Streptoccocus faecium.
Sau sự cố nói trên, BFL và A.T.C đã cố gắng thu thập tài liệu, chứng minh dòng vi khuẩn Streptoccocus faecium đã được sử dụng rộng rãi ở Canada và Mỹ, được Cục Quản lý dược của Mỹ đánh giá là an toàn; đồng thời nghiên cứu công thức mới và cho khảo nghiệm lại để xin cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam.
Đua nhau ra sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu BZT
Tận dụng khoảng thời gian các sản phẩm BZT của BFL không được phép nhập khẩu và lưu hành ở Việt Nam, hàng loạt công ty trong nước đã đua nhau tung ra các sản phẩm khác nhau dùng trong nuôi thủy sản mang nhãn hiệu BZT.
Trong số những công ty ấy, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đất Việt đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu BZT (ngày 28/11/2008) với Cục Sở hữu trí tuệ. Đất Việt tuyên bố sản phẩm BZT của họ được sản xuất và nhập khẩu từ Tập đoàn Agranco của Mỹ.
Tuy nhiên, khi luật sư của BFL liên hệ với AGRANCO thì công ty này xác nhận rằng họ chưa bao giờ sở hữu và sử dụng nhãn hiệu BZT. AGRANCO mà chỉ sản xuất các sản phẩm mang tên BZT theo đơn đặt hàng cho khách hàng duy nhất là Đất Việt vì Đất Việt đã tuyên bố sở hữu nhãn hiệu BZT tại Việt Nam (trong khi trên thực tế, Đất Việt mới chỉ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu này).
Sau Đất Việt, một số công ty khác như Công ty Công nghệ Sinh học B.E.C.K.A và Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Tô Ba, cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu BZT lên Cục Sở hữu trí tuệ.
Công nhận quyền sở hữu của BFL
Trong khi đó, sau khi nghiên cứu công thức mới và khảo nghiệm thành công, ngày 8/9/2009, sản phẩm BZT® của BFL đã lại được đưa vào Danh mục theo Thông tư số 57/2009/TT-BNNPTNT.
Ngày 9/2/2010, BFL đã ủy quyền cho VISION (đại diện hợp pháp của BFL tại Việt Nam) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu BZT lên Cục Sở hữu trí tuệ. Hơn 2 tháng sau đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã có văn bản chấp nhận đơn đăng ký của VISION là hợp lệ.
Đồng thời VISION cũng đã nộp 3 đơn phản đối cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu BZT cho Đất Việt, Tô Ba và B.E.C.K.A lên Cục Sở hữu trí tuệ.
Sau một thời gian xem xét, Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn phản đối của VISION với Tô Ba và B.E.C.K.A, sau đó ra quyết định từ chối đơn đăng ký BZT của Tô Ba (ngày 23/11/2011) và B.E.C.K.A (ngày 28/4/2014).
Riêng với Đất Việt, vào ngày 16/5/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối đơn đăng ký BZT của Đất Việt. Sau đó 2 ngày (18/5/2011), Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo công nhận nhãn hiệu BZT của BFL được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trước khi Đất Việt nộp đơn đăng ký BZT.
Không lâu sau đó, Đất Việt đã có công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ, không đồng ý với đơn phản đối của VISION. Đến ngày 14/9/2012, Cục Sở hữu trí tuệ rút lại thông báo ngày 18/5/2011 và yêu cầu VISION trả lời những lập luận của Đất Việt. Ngày 12/10/2012, VISION đã có công văn trả lời Cục Sở hữu trí tuệ về vấn đề này.
Sau mấy năm chờ đợi mà chưa có quyết định cuối cùng của Cục Sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu BZT, ngày 3/4/2015, VISION đã gửi công văn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cuối cùng đối với Đất Việt cũng như đơn đăng ký nhãn hiệu BZT của VISION.
Gần 1 năm sau, vào ngày 3/2/2016, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối đơn đăng ký BZT của Đất Việt. Tới ngày 15/7/2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 265812 cho BFL.
Theo Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 265812, mẫu nhãn hiệu là BZT, danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu BZT gồm: Chế phẩm xử lý nước ao và hồ nuôi thủy sản; các loại enzim dùng trong công nghiệp;
Các chế phẩm của enzim dùng trong công nghiệp; sản phẩm vi sinh không dùng cho mục đích y tế và thú y; chế phẩm vi sinh không dùng cho mục đích y tế và thú y; các chế phẩm vi khuẩn không dùng cho mục đích y tế và thú y; các chất xúc tác;
Thuốc dùng cho thú y, thủy sản; chế phẩm sinh học dùng cho ngành y; chế phẩm sinh học để chữa bệnh dùng cho ngành thú y, thủy sản;
Mua bán, quảng cáo, xuất nhập khẩu chế phẩm thú y và thủy sản, thuốc dùng cho thú y và thủy sản, chế phẩm sinh học dùng cho ngành y và thú y, thủy sản, chế phẩm xử lý nước ao hồ nuôi thủy sản, thức ăn cho tôm cá.
Ngày 2/8/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định gia hạn số 64052/QĐ-SHTT về việc gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 265812 đến ngày 5/2/2030.
Như vậy, với các quyết định nói trên, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu BZT tại Việt Nam là sở hữu của BFL. Cho đến nay, A.T.C vẫn là công ty duy nhất được BFL cấp độc quyền phân phối, đặt hàng và bán các sản phẩm mang nhãn hiệu BZT tại Việt Nam.
Với tư cách là doanh nghiệp được BFL cấp độc quyền phân phối, đặt hàng và bán các sản phẩm mang nhãn hiệu BZT tại Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Phương, Tổng giám đốc A.T.C, đề nghị Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy sản xem xét, loại bỏ những sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu BZT mà Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận cho BFL, ra khỏi Danh mục sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản (gọi tắt là danh mục).
Ông Phương cho rằng, việc loại bỏ những sản phẩm vi phạm nhãn hiệu sản phẩm ra khỏi danh mục sẽ góp phần quan trọng tạo sự canh tranh lành mạnh trên thị trường vật tư thủy sản, giúp cho người nuôi thủy sản nhận biết và tiếp cận được sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đích thực, qua đó tránh được những thiệt hại trong quá trình sản xuất.
Điều này sẽ mang ý nghĩ to lớn, thể hiện tinh thần quản lý sáng suốt, minh bạch và công bằng với tất cả các doanh nghiệp, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cơ quan chứng năng đối với cộng đồng.