Trước đó ngày 15.5, trên vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu) xuất hiện một số loài cá, cua, ghẹ sống tự nhiên ở tầng đáy bị chết bất thường, nổi trên mặt nước biển. Đến ngày 19.5, màu nước trong khu vực nuôi chuyển sang màu đỏ, có khả năng gây sự cố cho tôm nuôi, đoàn kiểm tra của tỉnh và thị xã đã khuyến cáo người nuôi nâng lồng tôm nuôi lên cách mặt nước đáy khoảng 1 - 1,5 m.
Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên cũng đã lấy mẫu nước để kiểm nghiệm, và kết quả cho thấy thành phần tảo giáp chiếm ưu thế, mật độ tế bào tảo rất cao, tế bào tảo tương đối lớn có khả năng sắp tàn; chỉ tiêu NH3, PO4 vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản, chỉ tiêu ô xy hòa tan trong nước quá thấp.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nhận định ban đầu: Nguyên nhân tôm hùm chết là do mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số con/lồng nuôi, thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi.
Ngoài ra, những ngày gần đây thời tiết chuyển đổi đột ngột, có mưa giông đã làm nước có hiện tượng phân tầng (nước ở tầng đáy rất lạnh), nắng nóng kéo dài, cường độ ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao làm quá trình phân hủy hữu cơ ở tầng đáy diễn ra mạnh và tảo phát triển quá mức, gây hiện tượng thiếu ô xy cục bộ vào ban đêm làm cho các loài thủy sản nuôi và sống trong tự nhiên bị chết ngạt. Mặt khác, khi tôm bị yếu tác nhân gây bệnh luôn có sẵn trong môi trường nước nên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tôm nuôi làm tôm chết nhanh hơn.