Mất mạng vì… ngao
Vụ “hỗn chiến” trên dòng sông Yên giữa 2 nhóm người ở huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương (Thanh Hóa) xảy ra ngày 7/7 vừa qua, làm hơn chục người thương vong, khiến nhiều người phải động lòng. Bởi lẽ, nguồn cơn để gây nên chết chóc, tang thương và tội lỗi ấy, đều xuất phát từ nghề khai thác ngao để kiếm sống của những người dân sông nước ở Quảng Nham (Quảng Xương) và Hải Châu (Tĩnh Gia).
Sau dăm ngày xảy ra vụ “hỗn chiến” trên sông Yên, chúng tôi trở lại xã Hải Châu và xã Quảng Nham, để nghe họ bày tỏ nỗi lòng, những truân chuyên của nghề sông nước.
Khơi lại chuyện đau lòng của ngày Chủ nhật buồn ấy, ông Lê Văn Đình - Trưởng thôn Nam Châu (Hải Châu), trầm ngâm bảo, trước đây, gia đình ông cũng nhận thầu 1ha ở bãi ven sông Yên để nuôi ngao. Nhưng rồi ông phải chuyển nhượng cho người khác làm, bởi gia đình ông neo người, mà ông bận công việc thôn, xóm và hơn nữa bản thân ông cảm thấy mình không phù hợp được với nghề này, nên phải bỏ.
Thành quả lao động sau nửa ngày ngụp lặn dưới sông của một người dân Hải Châu
Dù không làm nghề nuôi ngao nữa, nhưng vị trưởng thôn này vẫn thành thật rằng, làm nghề nuôi thả ngao mà gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết, nguồn nước và giá cả, thì mỗi năm có thể kiếm được bộn tiền, làm giàu rất nhanh. Bình quân, mỗi ha ngao nuôi (nếu gặp thuận lợi), thì trong 1 năm người ta có thể thu về vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Cũng chính từ giá trị, lợi nhuận của nghề ngao lớn như vậy, nên nhiều người muốn tham gia.
“Khi phong trào nuôi ngao ở địa phương chúng tôi phát triển, chính quyền xã đã quy hoạch cụ thể để giao thầu cho từng hộ. Nhưng phần còn lại ở phía giữa dòng, hiện nay chưa ai quản lý.
Vì thế, vùng ấy là vùng tự do, là nơi khai thác nguồn lợi thủy sản chung của người dân 2 xã Quảng Nham và Hải Châu. Trong khi đó, một thực tế ở địa phương chúng tôi là dân làm muối, mà nghề muối bây giờ công lao động cực thấp, giá muối rẻ như bèo, dân làm muối không ổn định công việc nên nhiều người phải lao ra sông kiếm ăn.
Người ta làm đủ thứ, từ cào ngao thuê cho các chủ đầm đến đánh bắt tự do ở ngoài dòng sông. Cũng từ việc đánh bắt tự do ấy, mà nảy sinh vấn đề tranh chấp, ngăn sông, cấm chợ giữa những người hai bên bờ sông. Và, cũng vì cuộc sống mưu sinh, vì con ngao, con cá mà nhiều người đã phải bỏ cả mạng sống”- ông Đình bộc bạch.
Đứng trên bờ hữu ngạn sông Yên, chỉ tay về phía giữa dòng (nơi xảy ra vụ “hỗn chiến” vừa qua), chị Trần Thị Đôn, thôn Yên Châu, Hải Châu cũng là người nhận thầu bãi sông để nuôi ngao, bảo: “Người ta đánh, chém nhau ở khu vực giữa dòng sông kia. Đó là vùng giáp ranh của 2 xã Quảng Nham và Hải Châu, nên chưa ai quản lý.
Người dân hai xã cùng ra đó khai thác con ngao, con cá tự nhiên, mạnh ai người nấy làm. Một số người có sức khỏe, kinh nghiệm thì ra đóng đáy, giăng lưới… khoanh vùng theo kiểu khai hoang, để khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Thế nhưng, phải là những người có “máu mặt”, mới có thể khoanh vùng “xí phần” được”.
Chống xưng vương, xưng bá vùng sông Yên
Rời xã Hải Châu, chúng tôi về xã Quảng Nham. Ông Trần Xuân Lờ - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham đã trao đổi thẳng thắn với chúng tôi về vấn đề phức tạp của vùng nuôi, khai thác thủy sản ở sông Yên. Ông bảo, từ năm 2011 trở về trước, UBND xã Quảng Nham tổ chức cho các hộ dân đấu thầu vùng bãi bồi ven sông Yên để nuôi trồng thủy sản.
Đến năm 2012, chính quyền địa phương tổ chức cho 31 hộ dân thuê đất nuôi trồng thủy sản theo Điều 80 Luật Đất đai, thời hạn 5 năm, với tổng diện tích 44ha. Còn phần ngoài bãi sông, chính quyền địa phương không quản lý. Chính vì vậy, một số hộ dân trong xã và nhiều người dân ở huyện Tĩnh Gia đã tự ý ra cắm cọc, thả luồng ra ngoài mốc giới đã được chính quyền địa phương cho phép hợp đồng, để “xí phần”.
Nghiêm trọng hơn, các hộ dân ấy lại tự thả luồng ven dòng sông, tự động san cồn bãi, bơm cát bùn ra sông, tự động mở mang diện tích nuôi trồng và thu hoạch con ngao tự nhiên…
Những việc làm ấy đã gây cản trở tàu thuyền đi qua khúc sông này và có nguy cơ lấp dần dòng chảy của sông. “Trước tình hình đó, ngày 15.3 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Trạm Quản lý đường sông, Trạm Biên phòng 122 kiểm tra toàn tuyến và tiến hành tháo dỡ một số cọc luồng do dân xã Quảng Nham và huyện Tĩnh Gia tự thả, đóng đáy ở dòng sông. Đồng thời, chúng tôi cũng ban hành văn bản thông báo nghiêm cấm các hộ dân ở địa phương chúng tôi không được tái phạm”- ông Lờ cho biết.
Nhiều người dân ở thôn Điền, xã Quảng Nham (đề nghị giấu tên), bức xúc: “Chúng tôi là những người dân nghèo, nên phải bám vào sông để kiếm sống. Thế nhưng, khi chúng tôi ra ngoài sông mò ngao, thì bị một số người ở thôn Điền ra ngăn cản. Không những thế, khi thấy chúng tôi mò ngao trên sông (không thuộc vùng bãi thầu), họ còn gọi thêm cả một số người ở bên huyện Tĩnh Gia đến dùng hung khí đánh, chém chúng tôi. Họ cấm những người dân nghèo ở các thôn Điền, thôn Thanh, thôn Đông và thôn Hòa chúng tôi không được ra giữa sông mò ngao, bắt ốc nữa, nếu không họ sẽ giết.
Vì vậy, tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã làm đơn tố cáo hành vi của nhóm người ấy lên UBND xã Quảng Nham”. Khi chúng tôi đang nói chuyện với người dân, thì một người đàn ông tiến đến ghé vào tai người dân đang nói chuyện với chúng tôi, nói nhỏ điều gì đó rồi bỏ đi. Bỗng dưng, người dân này im bặt và từ chối mọi câu hỏi của chúng tôi, rồi tìm cách thoái lui.
Về câu chuyện của những người dân nghèo bị cản trở, đuổi đánh khi bắt ngao trên sông, Phó Chủ tịch Lờ bảo rằng, việc đó là có thật, UBND xã nhận được đơn tố cáo của người dân và chính quyền cũng đã giải quyết xong việc này. Còn về vấn đề giải quyết tranh chấp vùng mặt nước giữa dòng sông, theo ông Lờ: “Chúng tôi sẽ đề nghị các cấp, các ngành liên quan cho phân định vùng mặt nước giữa dòng sông Yên. Cần có quy hoạch rõ ràng, dùng bản đồ địa chính phân định, dùng phao cắm mốc… để hai bên chính quyền (xã Quảng Nham và xã Hải Châu) có biện pháp quản lý, tránh tình trạng xảy ra tranh giành, xô xát của người dân 2 địa phương như vừa rồi”- ông Lờ nói.
Rời Quảng Nham, trong lòng tôi tự hỏi: Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc ráo riết để ngăn chặn tình trạng tranh lấn, xưng vương, xưng bá ở vùng sông Yên, thì những người dân nghèo như vừa nêu trên vẫn phải đổ máu vì cuộc sống? Câu trả lời này xin gửi tới các ngành chức năng có liên quan của tỉnh Thanh Hóa.
Vùng giữa dòng sông Yên hiện nay chưa ai quản lý. Vì thế, vùng ấy là vùng tự do, là nơi khai thác nguồn lợi thủy sản chung của người dân 2 xã Quảng Nham và Hải Châu. Cũng chính vì vùng ấy không ai quản lý mà nảy sinh vấn đề tranh chấp, ngăn sông, cấm chợ giữa những người 2 bên bờ sông.