Thật ra mà nói gỏi cá là đặc sản của Nam Ô, nhưng vài năm gần đây nó “nhích dần” xuống Đà Nẵng và trở thành một món đưa cay không chê vào đâu được. Tầm xế chiều, khi ánh hoàng hôn trên bãi biển chìm dần xuống những dải núi phía xa cũng là lúc những hàng quán dọc bờ biển lên đèn.
Quán xá ở đây không sang lắm, chỉ vài cái bàn, dăm cái ghế kê sát mé đường với mục đích để thực khách vừa nhâm nhi những món ngon vừa tận hưởng từng làn gió biển mát rượi.
Gỏi cá có hai loại: gỏi khô và gỏi ướt. Gỏi khô làm bằng cá lạt, một loại cá thân dài nhiều xương; gỏi ướt chủ yếu làm bằng hai loại: cá trích và cá cơm, trong đó phần lớn là cá trích vì đây là loại cá được ngư dân khai thác nhiều.
Dù cá trích chi chít những xương là xương, nhưng bằng tay nghề điêu luyện, người ta nhẹ nhàng lóc cá thành những lớp mỏng tang và tuyệt nhiên trong phần thịt không còn thấy miếng xương nào hiện diện. Sau khi đã loại bỏ xương, thịt cá trích đem trộn chung với thính và như thế là có ngay món gỏi cá trích khô. Còn muốn ăn gỏi ướt, người ta sẽ ngâm thịt cá trích vào một cái tô chứa thật nhiều giấm, tỏi, ớt.
Món này ăn phải đúng “bài” mới ra được cái chất của nó. Rau ăn kèm với gỏi cá phải gồm nhiều loại như: lá cóc rừng, lá xoài, lá trám, lá dừng… đặc biệt không thể thiếu lá đinh lăng, và tất nhiên là có bánh tráng, nước chấm, ớt xanh, tỏi. Không chỉ là mồi ngon của dân nhậu, gỏi cá còn là món ăn yêu thích với cả chị em phụ nữ. Vào tầm ba, bốn giờ chiều, người Đà Nẵng thường có thói quen ăn nhẹ giữa buổi - gọi vui là “giấc ba giờ”. Lúc đó, món gỏi cá luôn là gợi ý tuyệt vời.
Chiều về, nhâm nhi từng cuốn gỏi cá, nhấp môi chút rượu cay xè nơi đầu lưỡi thì không gì sướng bằng. Trong ánh chiều vàng vọt, mắt nhìn ra mặt biển xanh rờn lấp lánh, cảm thấy đời bỗng thư thái nhẹ nhàng biết bao.