Người dân ở 2 tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu là An Giang và Đồng Tháp đang thấp thỏm chờ nước lũ dâng cao để có thể bắt tay ngay vào khai thác nguồn lợi thủy sản.
Dân mất việc, ôm nợ
Xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang được xem là vùng rốn lũ của cả ĐBSCL vì đất thấp và nước lũ tràn về sớm nhất so với các địa phương khác. Thông thường, khi bước sang tháng 7 âm lịch, các cánh đồng chìm sâu trong biển nước. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho các hộ dân vay vốn theo mô hình “sống chung với lũ” như nuôi trồng thủy sản, rau xanh… khá hiệu quả. Các cụm, tuyến dân cư cũng hình thành nhằm giúp người dân có chỗ ở an toàn mà không còn phải lo cảnh chạy lũ. Vì vậy, với người dân địa phương, mùa lũ là mùa làm ăn.
Ai ít vốn thì đi giăng câu, thả lưới; người vốn nhiều thì đầu tư nuôi lươn, ếch vì dễ tìm thức ăn trong tự nhiên. Nói là kinh tế phụ chứ thật ra lợi nhuận chẳng thua kém gì trồng lúa. “Nhưng đó là chuyện trước đây, chứ hiện tại, chúng tôi không biết có nên thả nuôi nữa hay không vì nước lũ về muộn và kém quá!” - ông Nguyễn Văn Buôn (ngụ xã Phú Lộc) lo lắng.
Tháng 10-2015, bờ kênh Vĩnh Tế nước chỉ xăm xắp Ảnh: THỐT NỐT
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, không chỉ gia đình ông Trần Văn Mực mà rất nhiều hộ dân ấp Chòm Xoài, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đều trông ngóng lũ về để giăng câu, thả lưới kiếm sống. Thế nhưng, do nguồn cá tự nhiên ngày càng ít dần cùng với việc chính quyền địa phương xây dựng các vùng đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ 3 nên vô tình đẩy dân nghèo vào cảnh thất nghiệp.
“Muốn cắt lúa mướn thì cũng không còn ai kêu nữa vì đã có máy móc làm hết rồi. Nước lũ về kém như thế này, chắc chắn sẽ còn rất nhiều người bỏ xứ ra đi. Ở lại đây lấy gì mà sống...” - ông Mực xót xa.
Bà Nguyễn Thị Đẹp - chuyên nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi ở vùng biên giới xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu - than thở: “Nước lũ xăm xắp kiểu này thì làm ăn gì được. Tôi đã vá xong mấy tay lưới rồi nhưng cứ đợi hoài mà cũng chưa thấy nước lên cao thêm chút nào. Tôi đem lọp cua ra đặt cũng không dính được con nào chứ nói chi là cá”.
Gia đình anh Lê Văn Vũ (ngụ xã An Phú, huyện Tịnh Biên) có 4 anh em chuyên sống bằng nghề đặt đú ở vùng giáp biên với Campuchia. Vào thời điểm này năm ngoái, nước lũ đã ngập sâu từ 3,5-4 m. Thế nhưng, hiện nước lũ chưa vượt qua khỏi cánh đồng biên giới, mà chủ yếu chảy theo kênh Vĩnh Tế rồi tràn vào các cánh đồng nội địa chừng 50-70 cm.
Bốn anh em anh Vũ đều đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ từ hơn tháng nay để sẵn sàng cho mùa lũ mới. Mỗi người phải bỏ ra ít nhất khoảng 70 triệu đồng để sắm một số giàn lưới. Oái ăm là tới thời điểm này, nước lũ vẫn chưa về nhiều. Sốt ruột quá, anh Vũ đem mớ đú đi đặt ở đồng cạn để vớt vác được chút nào hay chút đó. Thấy tình hình không tốt lắm nên khoảng 2 ngày, anh mới đi đổ đú 1 lần nhưng cũng chỉ được vài kg cá đồng với một ít cua. “Khổ là không biết lấy đâu ra tiền để trả lãi nóng với khoảng 7%/tháng” - anh Vũ than vãn.
Ông Nguyễn Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, lo lắng bởi đời sống của người dân lệ thuộc nhiều theo con nước. Khi tình hình thay đổi, người dân cần được hỗ trợ để chuyển đổi một số mô hình chăn nuôi khác cho phù hợp.
Lượng nước đổ về chỉ khoảng 30%
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trong tháng 10-2015, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất vào cuối tháng. Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu đo được trên 2,8 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,4 m, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 1,2 m.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, cho biết năm nay, lượng nước đổ về ĐBSCL mất khoảng 60%-70% nên phù sa cũng giảm.
Lý giải về nguyên nhân lũ về chậm, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, nhận định: “Lượng nước khi về đến ĐBSCL phần lớn là do mưa từ Lào trở xuống. Trong đó, phần Tây Nguyên đóng góp khá quan trọng, đến khoảng 16% lượng nước. Năm nay, vùng Tây Nguyên và Lào, lượng nước về thấp. Khi lũ lớn, cá có nhiều nước để tăng trưởng và diện tích ngập rộng, ngập các vùng cao hơn thì cá có nhiều thức ăn hơn. Nước lũ thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế người nghèo, đặc biệt là các hộ không có đất để canh tác”.
Còn GS-TS Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng người dân ngóng nước nổi vì mang lại nhiều nguồn lợi thủy sản phong phú, ruộng đồng được bồi đắp phù sa, rửa mặn, rửa phèn cùng các chất độc hữu cơ trong đất… Khi nước không vô đồng thì không có bồi lắng phù sa, đất mất dinh dưỡng chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất lúa. Nông dân phải bón nhiều phân, thuốc để tăng năng suất, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, giá thành.
Kỳ tới: Hạ du bị thiệt hại