Mô hình dự báo rất đáng tin cậy, giá trị thực của tháng 1 trong năm 2017 nằm trong khoảng tin cậy 95% và gần bằng với giá trị dự báo với điểm sai số dự báo nhỏ.
Cũng như các mặt hàng nông sản khác, tôm sú đang đối mặt với những biến động giá. Giá tôm sú trên thị trường xuất khẩu biến động thất thường là do công tác mở rộng thị trường của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn còn hạn chế, đồng thời những chính sách về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn (VASEP, 2015). Giá tôm sú xuất khẩu biến động chủ yếu phụ thuộc cung cầu tôm trên thế giới. Năm 2016, cung tôm thế giới có khả năng giảm khoảng 5% so với năm 2015; sản lượng giảm chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam, trong khi sản lượng ở Ấn Độ và Indonesia không tăng trưởng. Đây là lý do dẫn đến giá tôm thế giới tăng từ 10% - 15% (SCAP, 2016).
Ngành tôm Việt Nam giữ một vai trò chủ lực trong toàn ngành thủy sản và đã góp phần quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu, làm gia tăng thu nhập đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Với xu hướng phát triển mạnh mẽ, thị trường xuất khẩu của mặt hàng tôm Việt Nam ngày càng được mở rộng.
Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu phân tích về vai trò của tôm, về chuỗi giá trị của tôm và phân tích hiệu quả kinh tế của nuôi tôm ở Việt Nam, tuy nhiên nghiên cứu về giá, đặc biệt là những phân tích dự báo giá bị ảnh hưởng bởi mùa vụ là rất hiếm.
Dự báo giá tôm có vai trò quan trọng trong xây dựng kế hoạch, chiến lược, phân tích tình huống kinh doanh, lập kế hoạch đầu tư, … Hơn nữa, dự báo là cơ sở cho các quyết định của các cấp quản lý dẫn đến sự thành công. Kết quả khảo sát tại Mỹ và các nước phát triển có đến 92,0% doanh nghiệp khẳng định dự báo là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Từ những thực trạng trên, việc xây dựng mô hình dự báo giá tôm sú xuất khẩu Việt Nam có độ chính xác cao nhằm cung cấp cơ sở tin cậy cho cơ quan hữu quan trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng các chiến lược kinh doanh phát triển ngành, vùng là thật sự cần thiết.
Nhóm nghiên cứu Lê Nhị Bảo Ngọc, Trường cao đẳng cộng đồng Cà Mau, Lê Quang Thông, Trường đại học nông lâm TP.HCM và Thái Anh Hòa, Trường đại học Trà Vinh xây dựng mô hình dự báo giá xuất khẩu thực hàng tháng của tôm sú dựa trên chuỗi số liệu hàng tháng của giá giao lên tàu (Free On Board -FOB) do AgroMonitor cung cấp. Mô hình SARIMA (seasonal autoregressive integrated moving average) được sử dụng để cho phép dự báo sự biến động có tính mùa vụ của giá FOB tôm sú. Kết quả dự báo có thể cung cấp thông tin cho các nhà điều hành, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý sản xuất cũng như các nhà kinh doanh trong tiến trình ra quyết định phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nghiên cứu là nguồn tài liệu bổ sung cho lĩnh vực nghiên cứu còn hạn chế về phân tích thị trường trong ngành thủy sản Việt Nam.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp Box-Jenkins (1970) để lập mô hình và dự báo giá FOB tôm sú thực của Việt Nam theo tháng; kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình SARIMA (2,0,1) (0,1,11) 12 đưa ra giá trị dự báo tương đối phù hợp với chuỗi thời gian giá FOB tôm sú thực theo tháng. Các chỉ tiêu đánh giá độ tin cậy của kết quả dự báo cho thấy mô hình dự báo đáng tin cậy. Do vậy, mô hình có thể được dùng để dự báo giá cho các kỳ tiếp theo, một khi dữ liệu được cập nhật.