Chuyển đổi hiệu quả
Huyện Thới Bình đang là “thủ phủ” của mô hình lúa - tôm tại Cà Mau với diện tích khoảng 20.000ha. Ít người biết rằng trước đây, cây mía và cây lúa mới là cây trồng chủ lực ở Thới Bình. Trước năm 2000, Thới Bình có khoảng 7.000ha đất trồng mía tập trung tại các xã Trí Phải, Trí Lực, Tân Bằng, Biển Bạch... nhưng thời gian dài giá mía bấp bênh làm người trồng mía nhiều phen khốn đốn. Những năm qua, ngày càng nhiều người dân địa phương “bí quá hóa liều” đã đưa nước mặn vào để làm mô hình lúa - tôm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tài (ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình) đã có 30 năm gắn bó với cây mía nhưng vào năm 2016, ông quyết định chuyển qua làm lúa - tôm. Ông Tài cho biết, trước khi ông thực hiện mô hình này, đã có một số hộ “lớn gan” chuyển đổi trước. Bình quân mỗi năm họ “bỏ túi” 60-70 triệu đồng/ha. Nhìn bà con nuôi tôm lời thấy ham, vậy là ông Tài cũng “xé rào” đưa nước mặn vào 3ha đất của gia đình làm theo. “Năm nào cây mía trúng mùa, được giá chúng tôi mới mong đủ ăn, còn luân canh lúa - tôm, tới con nước là bỏ túi tiền triệu” - ông Tài chia sẻ.
Số liệu so sánh hiệu quả các mô hình của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình cho thấy, mô hình lúa - tôm cho lợi nhuận 50-60 triệu đồng/ha/năm; mô hình chuyên canh lúa đạt 20 triệu đồng/ha/năm và cây mía đứng cuối bảng khi chỉ đạt khoảng 18 triệu đồng/ha/năm. Vậy là diện tích mía của huyện Thới Bình dần bị thu hẹp. Năm 2017, Thới Bình chỉ còn khoảng 700ha mìa và đến nay gần như bị xóa sổ. Tuy nhiên, sau thời gian dài chuyển qua canh tác theo hình thức lúa - tôm, người dân địa phương đã dần thấy được thách thức đang còn phía trước.
Nhiều thách thức
Theo người dân địa phương, để mô hình lúa - tôm phát huy hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải làm được vụ lúa. Cây lúa không chỉ cho thu nhập mà còn giúp cải tạo môi trường, tạo ra nguồn thức ăn giúp tôm nuôi phát triển. Muốn trồng được vụ lúa phải phụ thuộc vào lượng mưa nên không phải năm nào cũng làm được. Mùa hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 là một “thử thách” thật sự với mô hình lúa - tôm tại Thới Bình. Xã Tân Bằng có khoảng 3.400ha áp dụng mô hình lúa - tôm thì có đến 90% diện tích lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại.
“Sau nhiều năm canh tác, bà con đang dần cảm nhận được những khó khăn khi làm vụ lúa trên đất nuôi tôm. Nguyên nhân là do canh tác lâu, đất bị nhiễm mặn ngày càng nặng mà lượng mưa không phải năm nào cũng đảm bảo đủ để rửa mặn. Nếu mùa hạn mặn lịch sử lặp lại, thì cây lúa trên đất nuôi tôm chắc chắn vẫn bị thiệt hại hàng loạt” - ông Lê Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Bằng, nhìn nhận.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà trước những năm 2010, diện tích lúa - tôm của Cà Mau lên đến 70.000ha, nhưng những năm gần đây chỉ còn khoảng 40.000-50.000ha. Hiện mô hình lúa - tôm cũng chỉ còn tập trung nhiều tại các huyện phát triển sau này, như: U Minh, Thới Bình, Cái Nước. Còn tại huyện Đầm Dơi - nơi khởi phát của mô hình - đã không còn nơi nào có thể trồng được vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: Mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm đã chứng minh được hiệu quả, cho thu nhập gấp 2 - 3 lần so với độc canh cây lúa. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vùng chuyên lúa của tỉnh bị mặn xâm nhập nghiêm trọng nên mô hình lúa - tôm mở ra hướng sản xuất hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của mô hình lúa - tôm là phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
“Trồng lúa trên đất nuôi tôm cần nước mưa để rửa mặn, năm nào mưa ít, người dân không thể trồng lúa. Nếu nuôi tôm liên tục thời gian dài, người dân muốn quay lại làm vụ lúa rất khó khăn. Đã có những diện tích lúa - tôm buộc phải chuyển qua chuyên nuôi tôm làm mất đi hiệu quả và tính bền vững vốn có của mô hình. Cũng chính vì vậy, diện tích lúa - tôm của tỉnh ngày càng bị thu hẹp”- ông Tranh lý giải.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: “Theo thời gian, mô hình lúa - tôm của tỉnh ngày càng bị đẩy lùi sâu vào trong nội địa. Để khắc phục thực trạng này, cần nhiều giải pháp đồng bộ nhưng cốt yếu phải có hệ thống thủy lợi hoàn thiện. Trước đây, chúng ta quy hoạch thủy lợi chỉ đảm bảo phát triển 2 vùng mặn và ngọt. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, cần thủy lợi cho 3 vùng là: mặn, lợ và ngọt. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập hiện nay, chừng nào thủy lợi chưa đảm bảo thì rất khó để phát triển bền vững được như mong muốn”.