Một ngày đầu năm 2019, chúng tôi về vùng sông nước thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông của bà con ở đây. Gia đình đầu tiên chúng tôi đến là hộ anh Trần Văn Quốc, ở tổ 1, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh. Chỉ tay về phía lồng cá đang bỏ không trên sông, anh Quốc nói: “ Gia đình tôi lâu nay chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ mô hình nuôi cá lồng trên sông. Với 4 lồng nuôi các loại cá leo, chình, trắm cỏ...mỗi năm đem lại thu nhập hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay do hiện tượng cá chết nhiều và đầu ra khó khăn...nên gia đình tôi chỉ còn duy trì nuôi hai lồng cá trắm cỏ.”.
Tổ 1, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh hiện có 40 hộ sống bằng nghề sông nước. Do không có đất sản xuất nên cuộc sống chỉ dựa vào dánh bắt cá và nuôi cá lồng trên sông. Theo người dân cho biết, trước đây mô hình nuôi cá lồng rất hiệu quả, mỗi năm bà con nuôi 30 lồng với các loại cá chất lượng cao như trắm có, cá chình, cá trê và cá leo. Có hộ nuôi nhiều cũng cho thu nhập hơn 70 triệu đồng mỗi năm. Do giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn, lại thêm xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, nên từ cuối năm 2017, bà con ở tổ 1, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh đã bỏ nuôi và bán cả lồng nuôi và đến đầu năm 2019 này chỉ còn lại 10 lồng.
Phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông là hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân sống trên sông nước khi họ không có ruộng để sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại người dân ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh nói riêng và huyện Hải Lăng nói chung đang gặp khó khăn trong việc nuôi cá lồng, nên rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi; đồng thời đề nghị các hộ nuôi cần lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp khả năng kinh tế và kỹ thuật, tập trung tổ chức lại sản xuất, có sự liên kết với nhau để chuyên sâu theo đối tượng...để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững.